(HNM) - Ngay từ khi hoàn thành, chợ luôn bị... bỏ hoang, còn tiểu thương, người dân ở thôn Văn Phú tràn ra các con đường dân sinh ở bên ngoài chợ, đường Hồ Chí Minh để kinh doanh, buôn bán.
Hầu hết các ki ốt chợ Văn Phú đã bị hư hỏng hoàn toàn. |
Năm 2003, để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán của người dân địa phương, được sự chấp thuận của UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Hoàng Văn Thụ đã đầu tư xây dựng chợ Văn Phú bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên diện tích gần 2.000m2. Năm 2004 chợ hoàn thành, 10 hộ dân (trong số 28 hộ tham gia) đã trúng thầu 11 ki ốt trong thời hạn 5 năm với giá thuê thấp nhất là 210.000 đồng/tháng và cao nhất 805.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, chợ Văn Phú đã không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng và bị bỏ hoang đến nay.
Ngày 10-3-2016, quan sát thực tế tại chợ, phóng viên nhận thấy hầu hết các hạng mục của chợ đều đã hư hỏng và xuống cấp trầm trọng. Hệ thống cửa xếp của các ki ốt bị hoen gỉ, nhiều chỗ nát vụn, mái lợp phibrôxi măng bị vỡ, rơi xuống nền nhà. Trái ngược với cảnh đìu hiu, hoang tàn đó, cách không xa, một chợ tự phát lại cực kỳ sôi động, tấp nập bán mua trên... đoạn đường phía ngoài, từ chợ Văn Phú đến đường Hồ Chí Minh.
Chị Nguyễn Thị Hịu, người dân thôn Văn Sơn (xã Hoàng Văn Thụ) đã buôn bán ở đây nhiều năm, than vãn: "Lối vào chợ quá nhỏ, hệ thống ki ốt thì kín như bưng nên rất khó buôn bán". Chỉ tay vào hệ thống ki ốt hoang lạnh, chị Hịu nói tiếp: "Đi qua đây chẳng ai biết là chợ vì dãy ki ốt án ngữ toàn bộ". Vì những lý do trên mà 12 năm qua, chị Hịu cùng khoảng 50 tiểu thương khác thay vì vào chợ đã chấp nhận mưa nắng, ra đường kinh doanh.
Ngoài lãng phí về cơ sở hạ tầng, việc UBND xã không thể cho thuê ki ốt kinh doanh, thu phí trong suốt 12 năm qua cũng gây thiệt hại không nhỏ. Tính toán theo đúng số tiền cho thuê hằng tháng của 10 hộ đã trúng thầu 11 ki ốt từ năm 2004 đến nay, lên đến gần 550 triệu đồng, đó là chưa kể đến những nguồn thu khác nếu chợ hoạt động tốt. Điều đáng nói là khi hết hạn hợp đồng (năm 2009), UBND xã chưa thanh lý hợp đồng theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND xã Lê Hoài Thi cũng thừa nhận rằng, do cổng chợ quá nhỏ, nhân dân lại có thói quen buôn bán ở lề đường nên chợ không thể hoạt động hiệu quả ngay từ khi khánh thành. Nguyên nhân là công tác khảo sát, nắm tình hình trước khi quyết định đầu tư xây dựng chợ làm chưa sâu sát; việc thiết kế xây dựng chưa bảo đảm tiện ích điển hình đối với chợ nông thôn truyền thống… Tháng 6-2013, UBND xã Hoàng Văn Thụ đã có Tờ trình và HĐND xã đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND về việc tháo dỡ toàn bộ ki ốt khu vực chợ Văn Phú nhưng nghị quyết ban hành đã 3 năm mà việc tháo dỡ vẫn "án binh bất động" do chưa được bố trí kinh phí.
Trong lúc kinh phí tháo dỡ công trình chưa có thì ngày 12-6-2015, UBND huyện Chương Mỹ ban hành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, ghi rõ hạng mục "nâng cấp, cải tạo chợ Văn Phú, xã Hoàng Văn Thụ với nguồn vốn 4 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2017". Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đảm, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho rằng "chưa biết về thông tin này và nếu có thì đây mới chỉ là kế hoạch đầu tư công của huyện chứ chưa phải quyết định chính thức. Về hướng giải quyết, ông Đảm cho biết, thời gian tới "chúng tôi sẽ tiến hành điều tra, rà soát, trên cơ sở này sẽ tham mưu với UBND huyện có tiếp tục đầu tư tiếp nữa hay không?". Vẫn theo ông Đảm, trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Hoàng Văn Thụ đã quy hoạch xây dựng chợ nông thôn ở khu Đầm Dâu - khu vực trung tâm xã với diện tích 5.000m2, hiện nay đã có mặt bằng nhưng chưa có nhà đầu tư nên chưa thể triển khai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.