(HNM) - Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ ngày 1-12-2014, xăng E5 sẽ được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội,
Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Đẩy mạnh tiêu thụ và sử dụng xăng sinh học E5" do Cổng thông tin điện tử chính phủ tổ chức ngày 2-7, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết: Hiện các doanh nghiệp đầu mối lớn như Petrolimex, PVOil... đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất cho việc bán xăng sinh học E5 tại 7 tỉnh, thành phố; riêng tỉnh Quảng Ngãi sẽ thực hiện sớm hơn 3 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhận thức của phần đông người tiêu dùng về xăng sinh học ra sao? Chưa có khảo sát nào được triển khai song câu trả lời không khó chỉ ra: Hầu hết người dân vẫn còn mù mờ về loại nhiên liệu này, mặc dù các nhà khoa học, cũng như cơ quan quản lý, khẳng định xăng sinh học an toàn, không gây ô nhiễm môi trường... Tại các đại lý, cửa hàng xăng dầu ở các địa phương, ngay cả ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mặc dù có bán xăng sinh học nhưng rất hiếm người mua. Tuyệt đại đa số người dân vẫn sử dụng xăng truyền thống.
Xăng sinh học bị "vướng" cửa ra thị trường không chỉ bởi thói quen tiêu dùng cũng như nhận thức của người dân mà còn vì vô số bất cập khác: Doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư hệ thống cửa hàng kinh doanh, cung ứng xăng sinh học, dẫn tới hệ quả cả nước mới có 3 trong số 10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5 với tổng số 169 cây/13.000 cây xăng; nhiều nhà máy sản xuất xăng sinh học hoạt động không hiệu quả; việc quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất xăng sinh học vẫn còn bị động...
Thay đổi hành vi tiêu dùng cũng như nhận thức của cộng đồng là điều không dễ, càng không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Thậm chí, tại một hội nghị tháo gỡ khó khăn cho nhiên liệu sinh học, có ý kiến đã bày tỏ lo ngại về lộ trình thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg có nguy cơ "vỡ trận". Vì vậy, để không còn cảnh xăng sinh học bị thờ ơ, "hắt hủi"... đã đến lúc cần thực hiện đồng bộ hai yếu tố: Thứ nhất, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với lĩnh vực sản xuất, phân phối loại nhiên liệu này như nhiều chuyên gia, doanh nghiệp khuyến nghị; thứ hai, việc tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng, nhận thức của người sử dụng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ngoài ra, có lẽ cơ quan chức năng cũng nên có biện pháp "cưỡng chế sử dụng" đối với đơn vị, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền... Nếu không, khẩu hiệu "Xăng sinh học - Vì một hành tinh xanh" trên các trụ xăng E5 vẫn sẽ chỉ là khẩu hiệu trong thời gian dài nữa, cho dù thời điểm ngày 1-12-2014 đã cận kề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.