(HNM) - Ngày 17-5, Sở Khoa học công nghệ (KHCN) TP Hồ Chí Minh đã công bố kết quả nghiên cứu nguyên nhân gây cháy xe máy. Theo đó, xăng dầu kém chất lượng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây cháy xe.
Nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (RPTC) và Phòng Thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) thực hiện. TS Huỳnh Quyền, Giám đốc RPTC cho biết, qua phân tích hiện trường các vụ cháy xe, tình hình xăng dầu Việt Nam cùng hiện tượng nhập khẩu methanol tăng cao trong 2 năm 2010-2011 (Theo số liệu của hải quan, năm 2008 nhập khẩu 52,35 nghìn tấn, năm 2009 là 66,4 nghìn tấn, năm 2010 tăng lên 90,3 nghìn tấn và năm 2011 là 80,523 nghìn tấn), nhóm nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của nhiên liệu xăng và các yếu tố kỹ thuật dẫn đến sự hình thành nguy cơ gây cháy xe, thực hiện trên các mẫu nhiên liệu có trên thị trường như xăng A83, A92, A95 và các mẫu nhiên liệu được pha chế với các hàm lượng methanol, ethanol, aceton và một loại phụ gia tiết kiệm xăng xuất xứ từ Trung Quốc. Kết quả cho thấy, việc sử dụng xăng pha ethanol, methanol không làm thay đổi nhiều nhiệt độ động cơ so với xăng A92, A95. Tuy nhiên, các nhiên liệu này (dù chỉ đổ 1 lần) cũng có thể làm biến đổi tính chất ống dẫn nhiên liệu, các gioăng, phớt, làm tăng nguy cơ rò rỉ nhiên liệu dẫn đến nguy cơ cháy.
Trả lời câu hỏi của báo chí về kết quả nghiên cứu gần như ngược lại kết quả đã công bố trước đây của các Bộ Công an, Giao thông Vận tải, Công thương và Khoa học công nghệ là "chất lượng xăng dầu không liên quan đến các vụ cháy xe xảy ra liên tục trong thời gian gần đây", TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KHCN TP Hồ Chí Minh cho rằng, các cơ quan nói trên nghiên cứu trên các xe đã cháy và cũng mới chỉ tìm ra nguyên nhân của 65% số xe cháy, còn 35% chưa rõ nguyên nhân. Trong khi đó, nghiên cứu của Sở KHCN TP là tìm nguyên nhân gây cháy xe chứ không chỉ là nghiên cứu các xe đã cháy. TS Phan Minh Tân cho rằng, nếu nói xăng vô can trong các vụ cháy xe là không thỏa đáng, nhưng chỉ quy trách nhiệm cho xăng thì cũng quá cực đoan, bởi xăng dởm không trực tiếp gây cháy, nhưng là tác nhân tác động của quá trình cháy; đồng thời kết quả nghiên cứu đặt nghi vấn xăng pha ethanol, methanol do số lượng nhập về tăng đột biến là có cơ sở, vì kiểm tra xăng năm 2011 phát hiện đến 35/154 mẫu có chứa methanol. Thêm nữa, khi pha 15% methanol vào xăng A83 thì sẽ biến thành xăng A92. Trong khi đó, giá thành 1 lít methanol chưa đến 10.000 đồng, còn 1 lít xăng A92 là 22.000 đồng nên đây là một khoản lợi nhuận khổng lồ mà một số người kinh doanh hám lợi không dễ bỏ qua.
Với kết quả nghiên cứu trên, lãnh đạo Sở KHCN TP Hồ Chí Minh kiến nghị Nhà nước cho ngừng lưu hành xăng A83 vì không còn phù hợp với động cơ và nguy cơ gây cháy nổ cao, đồng thời đưa ra những quy định bắt buộc về tiêu chuẩn xăng, siết chặt nhập khẩu cũng như việc sử dụng methanol trên thị trường. TS Phan Minh Tân cũng cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng xăng dầu trên thị trường; các đầu mối nhập khẩu phải lập quy trình kiểm tra các đại lý và gửi về Sở KHCN, Sở Công thương để giám sát; nếu phát hiện các cửa hàng bán lẻ vi phạm thì đầu mối cung cấp xăng dầu phải liên đới chịu trách nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.