(HNM) - Từ tháng 9, một loại hình nghệ thuật đường phố đặc sắc của đất Kinh kỳ đã đi vào nhịp diễn với vài ba show một ngày và được đón nhận nồng nhiệt -
Phục dựng xẩm phố thị
Chương trình biểu diễn nằm trong dự án "Nghệ thuật hát xẩm Hà Nội" do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức và nhóm xẩm Hà thành thực hiện. Dự án quy tụ các nghệ sĩ: NSƯT Hà Thị Cầu, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thúy Ngần, NSƯT Đoàn Thanh Bình, NSND Thanh Hoài, NSƯT Văn Ty, nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Quang Long... Chương trình biểu diễn chính thức ra mắt ở thời điểm Hà Nội tròn nghìn năm tuổi, sau hơn một năm xây dựng dựa trên những nghiên cứu và phục dựng các làn điệu còn sót lại hoặc đã bị mai một của nghệ thuật hát xẩm bài bản, hoàn thiện theo đúng dân gian truyền thống. Điều đặc biệt, nội dung các tác phẩm gắn với Hà Nội, tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm mà xưa kia những nghệ sĩ xẩm ở chốn Kinh kỳ vẫn hát.
"Cũng là "năng nhặt chặt bị", người trong nhóm mất nhiều năm học hỏi các nghệ nhân, người này nhớ một chút, người kia nhớ một ít mà hoàn thiện và phục dựng dần", nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ về cách thức sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng nghệ thuật hát xẩm Hà Nội. Thế nên xem chương trình "Nghệ thuật hát xẩm Hà Nội" mới có "Dạo chơi Long Thành" đầy đủ, hóm hỉnh như vậy, hay "Bắc Kỳ vui nhất Hà thành" không theo lời cổ mà là sáng tác mới những năm đầu thế kỷ XX, rồi "Công cha nghĩa mẹ sinh thành" dựa theo điệu xẩm thập âm khác nhiều so với những đêm cuối tuần la cà ở chợ Đồng Xuân nghe các nghệ sĩ này hát vài năm nay.
Nhóm dự định sẽ duy trì chương trình diễn đến hết tháng 11 rồi tổng kết để điều chỉnh hoạt động dự án theo hướng thích hợp. Những điểm diễn như nhà Bát giác sau Tượng đài Lý Thái Tổ, đầu phố Hàng Đào, Hàng Bài, hay cả ở Điện Kính Thiên (Hoàng thành) nhiều ngày nay vang âm những điệu xẩm phố thị.
Chuyên nghiệp nghệ thuật cổ truyền
Dòng xẩm ở Hà Nội được cho là ra đời muộn hơn những địa phương khác. Phải cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi mà đời sống người dân nhiều nơi khốn khó, các nghệ nhân hát xẩm mới đến Hà Nội để diễn xướng. Cũng từ đây, chất xẩm được điều chỉnh phù hợp với đời sống thẩm mỹ và tai nghe của người thành thị nên nhẹ nhàng, tinh tế và dễ nghe hơn. Thời kỳ đó, hát xẩm được coi là một loại hình dân gian mang yếu tố chuyên nghiệp. Những người hát xẩm vừa có thể kiếm ăn và vừa sáng tạo nghệ thuật. Nhưng lâu nay, nghệ thuật hát xẩm mai một nhiều, những nghệ nhân sót lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi vậy, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam càng muốn khôi phục nó.
Trò chuyện với nhóm xẩm Hà thành, hiểu rằng, họ đang mang trong mình những ước mong và ý chí muốn nâng tầm để hát xẩm trở thành môn nghệ thuật chuyên nghiệp. Những gương mặt trong nhóm xẩm Hà thành đều là đã có kinh nghiệm với nghề, đã nghiên cứu, hiểu rõ và tâm huyết với nghệ thuật hát xẩm trong nhiều năm. Theo trưởng nhóm - NSƯT Thanh Ngoan- những nghệ sĩ này không chỉ là những "thợ" hát, mà là những người trực tiếp nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá nghệ thuật này tới khán giả Thủ đô. Các chương trình mà nhóm thực hiện đều dựa trên những yếu tố mẫu mực của hát xẩm đô thị, song có sự chắt lọc, lược bớt để giới trẻ và người chưa làm quen với hát xẩm có thể thưởng thức mà không cảm thấy nhàm chán. Ngoài ra, để môn nghệ thuật này phù hợp với đời sống xã hội hiện đại, nhóm sẽ sử dụng các bài thơ mới sáng tác đặt trên các làn điệu cũ cho dễ tiếp cận với khán giả và ai yêu thích cũng có thể theo được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.