(HNM) - Ngày 20-12, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã làm việc với lãnh đạo 10 quận nội thành và các sở, ngành liên quan về bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) và giải pháp chống ùn tắc, tai nạn giao thông ở thành phố.
Theo Sở GTVT, Hà Nội hiện có 7.365km đường, tăng gần 2 lần so với năm 2003, nhưng chỉ chiếm khoảng 7% quỹ đất dành cho đô thị. Các trục hướng tâm và đường vành đai chưa được xây dựng đồng bộ; quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật không đồng nhất. Không ít công trình trọng điểm luôn trong tình trạng vừa thi công vừa phải bảo đảm khai thác giao thông. Đáng lo ngại hơn nữa là diện tích bãi đỗ xe hiện không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Tại nội thành, đất dành cho bãi đỗ xe chỉ chiếm khoảng 1,2% diện tích đất đô thị, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Trong khi đó, vài năm gần đây, lượng phương tiện cá nhân ở thành phố liên tục tăng cao, gây áp lực rất lớn tới hạ tầng.
Quy hoạch hợp lý địa điểm trông giữ xe góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Bá Hoạt
Báo cáo của Sở GTVT do Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Tân trình bày cho biết, thời gian qua, thành phố đã liên tục chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan thực hiện công tác bảo đảm ATGT, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, do mật độ phương tiện tăng quá nhanh nên nhiều giải pháp chưa đạt kết quả mong muốn. Về kiểm tra, giải tỏa các điểm trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường, đã thu hồi giấy phép của 219/271 điểm, đặc biệt trên một số phố chính như: Xã Đàn, Khương Trung, Hào Nam… Thanh tra GTVT đã kiểm tra, xử lý 47.848 vụ vi phạm, thu phạt hơn 25,5 tỷ đồng, tạm giữ 1.344 ô tô, tước giấy phép lái xe 10.878 trường hợp. Tai nạn giao thông tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, theo Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an TP, báo cáo của Sở GTVT xây dựng chưa đánh giá toàn diện, chi tiết việc đã làm được, chưa được. Lĩnh vực đường thủy hết sức phức tạp, với không ít sai phạm trong khai thác, tập kết vật liệu xây dựng nhưng chưa được đề cập. Tình trạng ùn tắc cũng chưa được phân tích, đánh giá đúng mức. Để giảm 20% ùn tắc giao thông, cần phải phân tích và đưa ra giải pháp cụ thể, xác định rõ việc làm trước, làm sau. Về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, muốn quản lý hiệu quả, phải quy trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các cấp. Bí thư quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Thị Hồng Minh cũng cho rằng, báo cáo của Sở GTVT chưa chỉ rõ những hạn chế và đưa ra giải pháp thật cụ thể và kiến nghị Sở làm việc với từng quận, huyện để cùng giải quyết "vấn nạn" giao thông.
Phó Bí thư quận ủy Hoàn Kiếm Lê Thị Minh Nguyệt thì nhìn nhận công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa chủ động bố trí chỗ đỗ xe cho nhân viên, khách đến làm việc, do vậy phải có cơ chế bắt buộc mỗi cơ quan, đơn vị phải tự lo, sắp xếp chỗ để xe hợp lý. Về cấp phép xây dựng, bà Lê Thị Minh Nguyệt cho biết, kinh nghiệm của Hoàn Kiếm là với công trình dưới 300m2, khuyến khích, vận động xây hầm để xe; công trình trên 500m2 bắt buộc phải xây tầng hầm đỗ xe.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở GTVT khẩn trương tiếp thu hoàn thiện báo cáo để trình Thường trực UBND thành phố và Thường trực Thành ủy. Báo cáo phải nêu rõ hiện trạng, từ đó xác định nguyên nhân, nhiệm vụ và đề ra giải pháp thực hiện cụ thể. Về giải pháp thực hiện, cần xác định từng nhóm giải pháp, mỗi nhóm lại có từng biện pháp và thứ tự ưu tiên thực hiện…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.