Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác định rõ mục tiêu

Tuấn Lương| 05/06/2012 06:55

(HNM) - Thực hiện mục tiêu giảm 40% số điểm ùn tắc giao thông (UTGT) vào năm 2015, không để phát sinh điểm ùn tắc mới, TP Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng giao thông;

Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm từng bước giảm UTGT. Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, nhiều giải pháp mang tính cấp bách đã được tổ chức thực hiện song song với các giải pháp lâu dài và bước đầu đã đem lại kết quả khả quan. Cụ thể là: phân làn phương tiện trên 5 tuyến phố (Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng, Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu); điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh khu vực 10 quận, 2 huyện nhằm giãn giờ cao điểm; cấm xe taxi, xe tải vào một số tuyến phố; cải tạo hạ tầng, lắp đặt đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông tại một số nút thường xuyên ùn tắc; xây dựng và đưa vào khai thác 2 cầu vượt kết cấu thép tải trọng nhẹ tại nút Thái Hà - Chùa Bộc và Thái Hà - Láng Hạ. Số điểm thường xuyên xảy ra UTGT đã giảm từ 134 xuống còn 89 điểm (gồm 57 nút và 32 tuyến đường).


Cầu vượt kết cấu thép tại ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Bá Hoạt

Tuy nhiên, tình trạng UTGT vẫn diễn biến rất phức tạp, xảy ra khá phổ biến từ khu vực Vành đai 3 trở vào và trên các trục hướng tâm như: Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Nguyễn Trãi; Nguyễn Thái Học - Kim Mã - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu; Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ; Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng… Nguyên nhân chính là do kết cấu hạ tầng GTVT còn thiếu và chưa đồng bộ. Diện tích đất dành cho giao thông khu vực nội đô mới chỉ đạt 7-8% đất xây dựng đô thị, trong khi đó quy hoạch được duyệt phải đạt 20-26%. Phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh (khoảng 13-15%/năm). Kết quả đếm xe tại 32 nút giao thông lớn cho thấy mật độ phương tiện tại nhiều tuyến và nút giao đã quá tải so với năng lực thiết kế vào giờ cao điểm như nút Mai Dịch, Láng - Lê Văn Lương… Để giải quyết tình trạng UTGT hiện nay đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Không chỉ tập trung đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông khung và phát triển VTHKCC, cần lập lại kỷ cương trong lĩnh vực GTVT, đặc biệt là trong quản lý vỉa hè, lòng đường, hành lang ATGT...

Giải pháp đồng bộ

Ngày 29-5 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã họp với lãnh đạo Sở GTVT và 10 quận bàn về việc xây dựng chương trình mục tiêu giảm thiểu UTGT giai đoạn 2012-2015. Tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều quận, huyện cho biết đang rất thiếu nhân lực và phương tiện để triển khai chương trình này. Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường cho biết: Với 7 xã chuyển thành phường thuộc quận, rất cần được bố trí ô tô phục vụ xử lý vi phạm giao thông. Ngoài ra, theo phân cấp, tại các tuyến quốc lộ chỉ lực lượng CSGT-CATP mới được xử phạt. CSGT của quận chỉ đảm trách kiểm tra, xử lý tại các đường xương cá, quận đề nghị được phối hợp cùng CATP đối với cả các tuyến quốc lộ chạy qua.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Thế Công, trong việc giải tỏa vi phạm đỗ, dừng sai quy định trên các tuyến đường, nhiều chủ xe đã khóa cửa và bỏ xe ô tô lại không chịu xuất trình giấy tờ. Quận không có phương tiện để kéo xe vi phạm về nơi tạm giữ. Nếu gọi xe của CSGT hay Thanh tra GTVT phải chờ rất lâu. Cùng với đầu tư trang thiết bị, quan trọng là Sở GTVT và các địa phương phải khẩn trương rà soát, sắp xếp và duy trì công tác bảo đảm giao thông; thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ...

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi chỉ đạo, chương trình mục tiêu giảm UTGT cho giai đoạn 2012-2015 phải xác định rõ các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài, trong đó xác định rõ các nguồn vốn cần huy động phục vụ đầu tư phát triển giao thông. Về cơ chế, chính sách, cần tập trung xây dựng theo hướng khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT theo hình thức xã hội hóa, khuyến khích phát triển VTHKCC; tăng chức năng, phạm vi quyền hạn cho Thanh tra GTVT, Thanh tra xây dựng, CSGT trong việc xử lý vi phạm, đặc biệt là các hành vi tái phạm và hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây UTGT để nâng cao hiệu quả răn đe, từng bước nâng cao ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông… Đến năm 2015, khi các loại phương tiện VTHKCC như xe buýt nhanh BRT, đường sắt nội đô được đưa vào khai thác, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, Hà Nội phải giảm bằng được 40% số điểm UTGT và không để phát sinh điểm ùn tắc mới. TP giao Sở GTVT và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện báo cáo chương trình mục tiêu để trình cơ quan chức năng phê duyệt làm cơ sở triển khai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xác định rõ mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.