(HNMO) - Chiều 26-11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ đại biểu tán thành đạt 94%.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước số 81/2015/QH13 quy định rõ các đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Đây là một trong những nội dung sửa đổi quan trọng nhằm xác lập cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cho Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng thời bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Theo đó, tại Điều 1 về các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước số 81/2015/QH13, quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán được bổ sung: “Là cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, quy định như trên nhằm bảo đảm cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ khi chỉ rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là các đối tượng có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ cụm từ “khi có dấu hiệu tham nhũng” khi KTNN xem xét, quyết định kiểm toán, bởi quy định “dấu hiệu tham nhũng” là chưa rõ ràng và khó khả thi.
Ngoài ra, để bảo đảm cơ sở đầy đủ, kịp thời xử lý các vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNN, trên cơ sở áp dụng các thông lệ quốc tế phù hợp, Luật giữ quy định KTNN có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm, mức xử phạt hành chính... sẽ được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7- 2020.
Cũng trong chiều 26-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Luật Lực lượng dự bị động viên gồm 5 chương, 41 điều, quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.
Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 9 chương, 135 điều, quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.