Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và hồ sơ yêu cầu bồi thường

19/10/2013 07:45

Xin hỏi quý báo, pháp luật hiện hành có quy định như thế nào về việc xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính? Hồ sơ yêu cầu bồi thường và vấn đề xác minh thiệt hại? Lương Thị Nguyệt (Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội)

Xin hỏi quý báo, pháp luật hiện hành có quy định như thế nào về việc xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính? Hồ sơ yêu cầu bồi thường và vấn đề xác minh thiệt hại?
Lương Thị Nguyệt (Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội)

Thạc sỹ, luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật số 5 - quốc gia, ĐT: 04.37622619- 37622620; website: www.luatsuviet nam.vn) trả lời:
- Theo điều 15, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, quy định về yêu cầu xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và theo điều 10, Thông tư Liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP ngày 26-11-2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính đã quy định cụ thể về việc xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ: "1. Khi tổ chức, cá nhân cho rằng mình bị thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính của người thi hành công vụ gây ra và muốn được Nhà nước bồi thường thì phải thực hiện thủ tục khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại để yêu cầu người có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.

2. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thực hiện việc giải quyết khiếu nại đúng thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong quyết định giải quyết khiếu nại phải xác định rõ hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hay không trái pháp luật".

Căn cứ điều 11, Thông tư Liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP quy định hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm: a) Đơn yêu cầu bồi thường theo mẫu số 01a, 01b hoặc 01c ban hành kèm theo Thông tư này; b) Bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; c) Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.

Về việc xác minh thiệt hại được quy định tại điều 14, Thông tư Liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP, như sau: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, người đại diện phải tổ chức việc xác minh thiệt hại. Việc xác minh thiệt hại được thực hiện trên cơ sở tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu bồi thường cung cấp. Trong trường hợp cần thiết theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 18 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản, giám định thiệt hại về sức khỏe hoặc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về việc giải quyết bồi thường. Thời hạn xác minh thiệt hại là 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường; trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và hồ sơ yêu cầu bồi thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.