Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác định dự án ưu tiên đầu tư

Tuấn Lương| 19/09/2011 07:08

(HNM) - Quy hoạch thoát nước (QHTN) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được các cơ quan chức năng của TP khẩn trương hoàn thiện để báo cáo Thường trực Thành ủy ngay trong quý IV-2011 trước khi trình Chính phủ phê duyệt.


Bản quy hoạch chuyên ngành này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai hàng loạt công trình, dự án nhằm giải quyết các yêu cầu bức thiết về thoát nước mưa và thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển bền vững.

Xử lý nước thải tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn - Sóc Sơn. Ảnh: P. Nguyên


Phân vùng thoát nước, cụ thể hướng thoát

QHTN Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác lập nhằm cụ thể hóa các định hướng về thoát nước mà Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã thiết lập theo hướng Thủ đô là một tổng thể đa trung tâm, hiện đại gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) cho biết: Đối với thoát nước mưa, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính khu đô thị trung tâm TP Hà Nội, các đô thị vệ tinh tương đương cấp đô thị loại III (có mật độ dân số lớn hơn 6.000 người/km2) và khu vực ven đô có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thoát nước. Đối với thoát nước thải, phạm vi gồm khu đô thị trung tâm TP Hà Nội và các đô thị vệ tinh tương đương cấp đô thị loại III. Tổng diện tích lưu vực thoát nước được quy hoạch là 653,93km2 (rộng hơn 4,5 lần so với QHTN Hà Nội mà Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản-JICA lập năm 1995) bảo đảm phục vụ thoát nước cho 7,3-7,9 triệu người vào năm 2020 (trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 60%); cho 9,0-9,2 triệu người vào năm 2030 (dân số đô thị chiếm 65-68%); và cho 10,8 triệu người vào năm 2050 (dân số đô thị chiếm 70-80%). Quan điểm quy hoạch khẳng định rõ: QHTN phải hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và nước thải từ thu gom, chuyển tải đến xử lý cho từng khu vực; góp phần giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng ngập úng tại đô thị trung tâm và các đô thị khác trong phạm vi lập quy hoạch. Bên cạnh đó, khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước của Hà Nội...

Theo bản quy hoạch mới, thoát nước cho Hà Nội xác định rõ 3 vùng cần thoát nước là khu trung tâm, các đô thị vệ tinh và khu vực ven đô. Hiện hầu hết các khu vực của TP tiêu thoát nước ra bên ngoài phụ thuộc vào hướng thoát nước của hệ thống thủy lợi (riêng khu vực nội thành có hệ thống thoát nước đô thị). Nhiều khu vực trước đây là nước tự chảy, tuy nhiên đến nay khả năng này đã hạn chế rất nhiều do các sông Tích, Đáy, Nhuệ... không còn bảo đảm được khả năng thoát nước. Tình hình thoát nước tại khu vực nội thành cũng không khá hơn bởi tất cả đều được thoát qua trạm bơm cưỡng bức Yên Sở để ra sông Hồng. Do đó, QHTN lần này tập trung quy hoạch phân vùng thoát nước, trong đó đề cập rõ hướng thoát. Cụ thể, sông Tích-Thanh Hà, sông Cà Lồ thoát như hiện trạng; sông Nhuệ được phân vùng thoát nước 41.535ha, sông Hồng 19.175ha, sông Đáy 36.820ha…

Xác định các dự án ưu tiên

Dây chuyền vớt rác khơi thông dòng chảy tại Trạm bơm Yên Sở.


Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành nhằm đóng góp ý kiến cho bản quy hoạch. Theo kế hoạch, dự kiến ngay trong quý IV-2011, bản quy hoạch này sẽ được UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy. Tại cuộc họp, đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc cho rằng, đồ án quy hoạch đã cơ bản phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên cần bổ sung các thông tin về hệ thống kênh, cống (quy mô, kích thước, cao độ mực nước...), từ đó mới xác định được các dự án ưu tiên đầu tư. Đặc biệt cần phải chỉ rõ việc ưu tiên triển khai xây dựng các công trình thoát nước nào trước để giảm dần tình trạng úng ngập. Vị trí, quy mô công suất các trạm, nhà máy xử lý nước thải và nhu cầu sử dụng đất cho các công trình thoát nước cũng phải được xác định rõ ngay từ đầu trong quy hoạch. Việc đề xuất các dự án ưu tiên theo yêu cầu thoát nước cũng cần phải phù hợp với tầm nhìn phát triển KT-XH và đô thị của Thủ đô.

Ông Lê Vinh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhấn mạnh: Quy hoạch cần làm rõ hơn việc thoát nước cho khu vực thành thị và nông thôn, đặc biệt là các khu vực mới mở rộng địa giới. Đồng thời phải đề cập rõ hiện trạng hệ thống thoát nước, vùng úng ngập, số liệu quan trắc lượng mưa trong những năm qua cũng như tình hình triển khai các dự án thoát nước thời gian qua, trong đó có đánh giá hiệu quả của từng dự án và có cả rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai.

Một số ý kiến đề xuất, quy hoạch này cần tập trung vào thoát nước đô thị, thu gom, xử lý nước thải, đặc biệt là các đô thị vệ tinh. Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường. Khi lập quy hoạch cũng phải tính đến những trận mưa có cường độ lớn như năm 2008 để tính toán các phương án tiêu thoát nước bảo đảm an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch muốn đúng và trúng thì còn cần xác định rõ các khu vực đô thị mới sẽ hình thành trong tương lai không xa. Rồi còn phải khớp nối giữa các dự án cũ và mới trong quy hoạch để tăng hiệu quả và tránh lãng phí. Ví dụ như các khu đô thị bám dọc theo các trục đường Láng-Hòa Lạc và sau này là các vùng đô thị bám dọc theo các tuyến đường vành đai 4, đường trục mới mở theo quy hoạch như trục Bắc-Nam, trục Tây Thăng Long. Hiện nay, các khu vực này vẫn là ngoại thành, chưa phải chịu áp lực về úng ngập. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn nữa khi đô thị phát triển, quy mô dân số tăng thêm, thoát nước sẽ trở thành vấn đề dân sinh bức xúc. Do đó, quy hoạch luôn phải đi trước một bước.

Theo đồ án quy hoạch, dự kiến giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ lần lượt ưu tiên xây dựng hệ thống thoát nước trên các vùng, lưu vực sông Nhuệ, sông Tích, sông Đáy khu vực Bắc Hà Nội. Trong đó xây dựng hàng loạt các trạm bơm cưỡng bức tại Yên Nghĩa (Hà Đông), Sơn Tây, Văn Khê (Mê Linh), Vĩnh Thanh (Gia Lâm)... đồng thời cải tạo, nạo vét các tuyến sông. Đối với khu đô thị trung tâm thì tập trung triển khai và hoàn thành sớm Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 2.

Riêng lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải, theo tính toán đến năm 2020 lượng nước thải sẽ là trên 1,014 triệu mét khối/ngày, đêm và đến năm 2030 là 1,38 triệu mét khối/ngày, đêm. Việc thu gom, xử lý nước thải cũng đã được tính toán phấn đấu đến năm 2020 thu gom xử lý 90% nước thải và đến năm 2030 đạt 100%.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định dự án ưu tiên đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.