Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác định 132 nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị

Hà Vũ| 28/06/2022 15:12

(HNMO) - Ngày 28-6, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, 132 nhiệm vụ, đề án trọng tâm đã được xác định để ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày báo cáo tại hội nghị.

Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Dự thảo Chương trình có kết cấu gồm 4 phần kèm theo 4 phụ lục, nội dung bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và được cụ thể hóa bằng các chương trình, nhiệm vụ, đề án để triển khai thực hiện.

Dự thảo Chương trình xác định 4 nội dung mục đích, yêu cầu, trong đó nêu rõ tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô Hà Nội, quyết tâm đưa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đi vào cuộc sống.

Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 và đến năm 2045 cơ bản bám sát các chỉ tiêu cụ thể được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ; đồng thời, có bổ sung các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội đã được nêu trong Báo cáo của Thành ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, dự thảo Chương trình cơ bản bám sát 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ; đồng thời, cụ thể hóa, bổ sung, làm rõ nội hàm từng nhiệm vụ, giải pháp thông qua chắt lọc các nội dung nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong Báo cáo của Thành ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, 10 Chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII) và một số nghị quyết, chủ trương mới của Thành ủy thời gian qua.

Đáng chú ý, theo 4 phụ lục kèm theo dự thảo Chương trình, có 132 nhiệm vụ, đề án trọng tâm đã được xác định cụ thể để ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Hà Nội cũng kiến nghị các cơ quan Trung ương triển khai 74 nội dung nhằm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.

Phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể

Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt, là cơ sở quan trọng số một để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Chính vì vậy, Dự thảo Chương trình hành động đã rất chú trọng phần nội dung về tổ chức thực hiện. Từng nhiệm vụ được phân công cho các cơ quan, đơn vị đã được rà soát rất kỹ, bảo đảm chất lượng cao trước khi trình ra Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Có thể thấy, tinh thần chung là các nhiệm vụ đều có “địa chỉ” cụ thể, gắn với trách nhiệm cụ thể.

Trong đó, ngoài việc chỉ đạo nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Chương trình hành động, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội có nhiệm vụ tham mưu Bộ Chính trị chỉ đạo, đôn đốc, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa thành phố Hà Nội, các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phát sinh...

Đảng đoàn HĐND thành phố được giao chỉ đạo thể chế hóa, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được nêu trong Chương trình hành động vào các nghị quyết của HĐND thành phố và nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đồng thời, quyết định các định hướng, mục tiêu, biện pháp cân đối ngân sách để thực hiện các đề án, dự án, chuyên đề công tác cụ thể hóa nội dung Chương trình hành động. HĐND thành phố còn có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tăng cường giám sát hoạt động của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị của thành phố trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố có trách nhiệm thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, trong đó, căn cứ Chương trình hành động của Thành ủy, chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể triển khai thực hiện bảo đảm các mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết; cụ thể hóa nội dung Chương trình thành nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, giao các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện; trước mắt, sớm nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô; hoàn thành Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; khẩn trương rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới...

Ban Cán sự đảng UBND thành phố còn có nhiệm vụ đẩy mạnh phân công, phân cấp, rõ người, rõ việc, rõ đầu mối, rõ tiến độ, hiệu quả thực hiện; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án…; đồng thời, chủ động tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phát sinh.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, căn cứ nội dung Chương trình, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị; tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Thành ủy; tăng cường giám sát hoạt động của các cấp chính quyền, của cán bộ, đảng viên của các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các cấp ủy Đảng trực thuộc và các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố được giao tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu nội dung Chương trình, gắn việc thực hiện Chương trình với thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, 10 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII), 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá của thành phố và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng cấp, từng ngành trong từng năm, từng thời gian cụ thể; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hằng năm và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện ở đơn vị mình.

Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai thực hiện Chương trình hành động bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ, thường xuyên báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy theo quy định.

Trước đó, ngày 5-5-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nghị quyết đề ra mục tiêu, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định 132 nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.