Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xã Tiền Phong (Mê Linh): Nỗi lo ngập úng

Bạch Thanh| 26/08/2012 07:11

(HNM) - Về xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) hôm nay, sau sự hào nhoáng của vài dãy phố với những ngôi nhà cao tầng khang trang là những ngôi nhà ngói bé nhỏ sâu trong những con ngõ nhắc nhở nỗi lo về nguy cơ tái nghèo. Đặc biệt trong thời gian qua, nơi đây liên tiếp hứng chịu những cơn ngập úng làm hoa màu mất trắng, đời sống người dân không khỏi khó khăn.

Xã Tiền Phong có 8 thôn, trong đó có nhiều thôn như Do Hạ, Do Thượng đã chuyển đổi tới 90% đất nông nghiệp sang để phát triển công nghiệp, đô thị, giao thông. Còn lại ở các thôn khác diện tích chuyển đổi cũng vào khoảng 30%. Hiện toàn xã còn 225ha đất nông nghiệp, đời sống của người dân ở đây trông vào hai nguồn chính là sản xuất nông nghiệp và chạy chợ buôn bán. Phải thừa nhận là các vùng chuyên rau của xã Tiền Phong thâm canh tăng vụ khá tốt, nông dân có kỹ thuật, chăm chỉ với đồng ruộng nên cho thu nhập khá. Chỉ có điều từ đầu năm tới nay xã liên tiếp mất mùa, không phải do sâu bệnh mà chủ yếu là do ngập úng. Ông Hoàng Thế Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Chỉ tính từ tháng 4 đến nay, không trận mưa lớn nào của Hà Nội là dân Tiền Phong không bị ngập úng hoa màu. Bí xanh, dưa chuột, hành tây tự héo chết do ngập úng. "Nhà nông chúng tôi cả năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chăm chút từng củ hành, cây rau, thu nhập của mỗi hộ gia đình được năm sáu chục triệu đồng tưởng là lớn nhưng so với đời sống ở một xã ven đô như thế này, số tiền đó phải căn cơ tính toán lắm mới đủ sống. Nay bà con bỏ vốn ra gieo trồng, cứ hai lứa rau màu lại mất một lứa do ngập úng, chưa kể thị trường rau xanh thất thường thì người dân không lo sao được" - ông Phương than thở.

Đời sống của người dân xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) giờ trông chờ phần lớn vào chạy chợ buôn bán nông sản. Ảnh: Sơn Tùng

Về xã Tiền Phong sau đợt mưa lớn, dọc hai bên quốc lộ 23 là cảnh tượng hoa màu héo rũ do bị ngâm nước. Gió to cũng khiến nhiều diện tích cây trồng đổ ngả nghiêng. Khi được hỏi, nhiều bà con nông dân cho biết, chỉ tính từ tháng 4 đến nay đã có ít nhất ba trận ngập nặng khiến nhiều hộ cạn kiệt vốn tái sản xuất. Mở đầu câu chuyện về đời sống hiện nay, ông Ngô Văn Dần, thôn Yên Nhân tâm sự: Cả tháng nay, gia đình ông quay như chong chóng. Đứa con trai lớn hiện đang làm hàng tôn, cửa sắt cho các hộ trong vùng, giao hàng cho khách cả tháng nay chưa lấy được tiền. Vợ chồng ông thì lăn lộn cả ngày với bảy, tám sào rau màu ngoài đồng. Nếu như những năm trước đời sống kinh tế khá ổn định, mỗi tháng thu nhập cũng được dăm ba triệu. Nay quay đâu cũng khó mới thấy rủi ro của người nông dân thật lớn.

Bên cạnh ngôi nhà mái bằng vừa xây đang hoàn thiện dở, chị Nguyễn Thị Thất kể: Mấy năm trở lại đây, vợ chồng chị mạnh dạn chuyển sang làm theo "mô hình" vợ ở nhà gieo trồng, chồng chở rau màu ra chợ đầu mối vừa bán buôn vừa bán lẻ. Đời sống đã dần ổn hơn, cất được ngôi nhà mới này cứ ngỡ cuộc sống từ nay sẽ ổn định, ai dè từ đầu năm tới nay mất mùa liên miên. Rau màu cứ trồng đến kỳ thu hoạch là gặp mưa úng lại mất trắng. Vụ vừa rồi, gia đình chị trồng 3 sào rau cải, bí xanh và hành tây thì chỉ có 1 sào rau cải thu hoạch được hơn 2 triệu đồng, còn bí xanh và hành tây thì hỏng do ngập. Trừ các loại chi phí bị lỗ mất 5 triệu đồng tiền đầu tư giống, phân bón. Vậy là ngôi nhà xây xong mà muốn có ít tiền để sơn bả cũng khó có thể xoay xở được.

Đi thăm những cánh đồng rau màu đang được người dân vun xới, thu hoạch vớt sau mưa úng mới cảm nhận hết được sự khó khăn bộn bề của người nông dân. Nguyên nhân ngập úng do khi xây dựng các khu công nghiệp, đô thị đã san lấp mặt bằng, hạ tầng đầu tư chưa hoàn chỉnh, hệ thống tiêu thoát nước bị chặn, khiến phần đất nông nghiệp rơi vào vùng úng trũng cục bộ. Mong mỏi lớn nhất của người dân nơi đây là hỗ trợ trong việc phối hợp với các đơn vị thi công khơi thông dòng chảy, nhưng đến nay, mong muốn đó vẫn chưa được đáp ứng và rất có thể, kịch bản mất mùa tiếp tục xảy ra ở đây trong những vụ tới. Nếu tình trạng này kéo dài, vựa rau màu nổi tiếng Tiền Phong lại bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm như nhiều khu công nghiệp, đô thị ngoại thành đang dang dở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xã Tiền Phong (Mê Linh): Nỗi lo ngập úng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.