Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xã hội văn minh, không có chỗ cho lối sống "nguyên thủy"

Hoàng Quyên| 03/03/2016 07:58

(HNMO) – Hiện tượng đi vệ sinh không đúng nơi quy định xuất hiện từ lâu, có khi trở thành thói quen rất xấu ở một số người. Đó là cách hành xử thiếu văn hóa, khiến đô thị kém văn minh. Về vấn nạn này, HNMO đã có cuộc trao đổi với PGS-TSKH Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

PGS - TSKH Phan Đình Tân


- Đi vệ sinh không đúng nơi quy định từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, cản trở tiến trình xây dựng đô thị văn minh. Thậm chí nhiều người còn ngang nhiên “tè” vào công trình văn hóa, như đã xảy ra với Con đường gốm sứ mà HNMO đã đưa hình ảnh trước đó… Là cán bộ quản lý văn hóa, ông có nhận xét gì về điều này?

- Đây là hiện tượng không thể chấp nhận được trong xã hội văn minh. Một hành vi xấu, rất đáng lên án. Đa số người Việt Nam là nông dân. Đến giờ, một phần lớn dân số đô thị có xuất thân nông dân, có ảnh hưởng nhất định tới nền nếp sinh hoạt theo "chuẩn đô thị”. Suy cho cùng, thói quen vệ sinh bừa bãi ở ruộng đồng ngày trước đã khó chấp nhận rồi, mang thói quen đó ra thành phố thì càng khó chấp nhận.

Xã hội nguyên thủy có lối sinh hoạt kiểu bầy đàn, bạ đâu là vệ sinh ở đó. Sau này, văn minh hơn, con người làm ra cái nhà vệ sinh để giải quyết những vấn đề tế nhị. Giờ thì hằng ngày chúng ta giáo dục con em biết cách đi vệ sinh đúng nơi quy định. Vậy mà, ở ngoài đường phố vẫn có những người ngang nhiên phóng uế ở nơi công cộng, thậm chí là ở công trình văn hóa. Hành vì này chẳng khác nào quay trở lại lối ứng xử thường thấy ở thời nguyên thủy.

Tuy nhiên, vấn đề người dân đi vệ sinh không đúng nơi quy định cũng cần phải được xem xét từ nhiều khía cạnh. Với những người có cách hành xử không đúng, việc họ bị lên án là rõ rồi. Nhưng, mặt khác, cũng cần phải xem nhà quản lý đô thị đã đáp ứng được nhu cầu của người dân hay chưa.

HNMO ghi lại được hình ảnh nhiều người còn "xả" ngay cả vào công trình văn hóa


- Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?

- Nghĩa là chúng ta cũng cần phải xem lại hệ thống vệ sinh công cộng tại các đô thị đã ổn chưa? Nếu ai đó có việc ra ngoài đường nhiều, họ đi cả buổi mà không có nhà vệ sinh công cộng thì cũng gay lắm. Nói ví dụ, những nơi có nhiều người qua lại như phố ẩm thực Tống Duy Tân mà cũng không có một khu nhà vệ sinh công cộng nào đúng chuẩn thì khách biết “đi” ở đâu.

Tôi đã từng vào khu đó, đã phải xin vào nhà bán phở, bán bún ở đó để “đi nhờ”. Nhà vệ sinh ở đó thật là kinh khủng. Chắc chắn là trong số những người từng “đi” ở đó sẽ có nhiều người không dám vào lại lần nữa. Điều đó đặt ra bài toán cho nhà quản lý đô thị, đặt ra yêu cầu hình thành hệ thống nhà vệ sinh công cộng phù hơp, đặc biệt là bổ sung nhà vệ sinh công cộng tại những nơi thường xuyên có đông người qua lại, những nơi có nhiều điểm vui chơi, ăn uống.

- Việc “đi” không đúng nơi quy định có khi là thói quen ở một số người. Nhiều người lớn thản nhiên cho con trẻ đi vệ sinh ngoài phố, cho rằng “trẻ con đi tiểu ở đâu chẳng được”. Có người vô tư “đi” ở gốc cây trong khi nhà vệ sinh công cộng ở ngay gần đó. Theo ông, có phải thói quen này hình thành là do ý thức con người còn hạn chế hay do yếu tố nào khác ?

- Nếu đã là thói quen thì đó là điều hoàn toàn không chấp nhận được. Ngày nay, con người ý thức được rõ ràng về lối sống văn minh, nghĩa vụ tôn trọng cộng đồng và họ cư xử theo chuẩn mực được xã hội thừa nhận, không còn sinh hoạt theo kiểu bầy đàn nữa. Những chuyện sinh hoạt cá nhân thầm kín chỉ diễn ra trong nhà chứ không phô ra.

Không thể phủ nhận rằng nhiều người Việt Nam có ý thức giữ gìn vệ sinh chung rất kém. Không phải riêng việc “đi bậy” đâu, mà ngay cả việc vứt rác ra đường, nói tục nơi công cộng… cũng là những thói xấu cần phải bỏ. Hành vi “đi” ở gốc cây trong khi có thể ở ngay cạnh đó có nhà vệ sinh cho thấy sự tùy tiện, thiếu văn hóa.

Nhiều người có bề ngoài tươm tất lắm nhưng lại có cách ứng xử không thể chấp nhận được, như hiện tượng người đàn ông dừng xe để “đi” giữa đường mà báo chí vừa nêu, hay việc người lớn thản nhiên bế con ra vườn cây đi tiểu, thậm chí là đại tiện ở nơi công cộng và đều là việc cần phải được nhắc nhở. Tôi nghĩ, đây không chỉ là thói quen, mà là thái độ sống không văn minh, thể hiện sự coi thường cộng đồng, tự cho mình có quyền hành động tự do, thích gì làm nấy. Đó là kết quả, là biểu hiện của con người thiếu ý thức.

Người đàn ông dừng xe "xả" bậy trên đường bị dư luận phản ứng dữ dội. 


- Rõ ràng, sự “thích gì làm nấy” xuất phát từ ý thức giữ gìn vệ sinh chung còn kém. Nhưng, trong nhiều trường hợp, đó cũng là kết quả - hệ quả của việc chúng ta không có chế tài xử lý đủ nghiêm, không có những biện pháp răn đe đủ sức nặng để điều chỉnh hành vi của công dân theo đúng chuẩn văn minh. Ở nước ngoài, chỉ cần vứt một mẩu thuốc lá ra đường là đã có thể bị xử phạt rất nặng, thậm chí là bị buộc lao động công ích cả tuần, trong khi đó, ở nước ta, hành vi “đi bậy” cũng chỉ bị phạt 200 – 300 nghìn đồng. Quan điểm của ông về vấn đề này?


- Người ta vẫn nói “đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Ở nhiều nước người ta hôn nhau ở nơi công cộng. Ở mình thì không, phải vào chỗ kín, chỗ vắng vẻ để hôn nhau, nhưng đi vệ sinh thì có khi vô tư phô ra trước bàn dân thiên hạ. Việc bày tỏ tình cảm là tùy vào quan niệm, có khi bị chi phối bởi yếu tố văn hóa Đông – Tây, nhưng “cái sự đi” mà ta đang nói thì ở quốc gia nào cũng bị coi là việc phản cảm.

Tôi hoàn toàn đồng ý rằng, ở nước ta, chế tài xử phạt đối với những hành vi nói trên còn rất nhẹ. Tuy nhiên, đó là quy định và nhà quản lý phải tuân theo, chưa thể làm khác ngay được. Nhưng, theo tôi, có thể đề ra phương án xử lý kèm theo: đối với những trường hợp vi phạm thì ngoài tiền xử phạt theo khung quy định, cơ quan chức năng có thể gửi thông báo về tổ dân phố (nếu người đó là lao động tự do) hoặc gửi về cơ quan (nếu đó là công chức, viên chức). Tôi chắc chắn là với hình thức này, những người bị nhắc nhở sẽ biết xấu hổ đề lần sau không vi phạm nữa.

Hiện nay, việc bắt quả tang người vi phạm để xử phạt cũng không còn khó nữa, chúng ta có camera quan sát, mỗi công dân cũng là một giám sát viên bởi nhiều người có trong tay phương tiện chụp ảnh, quay phim, có thể ghi lại bằng chứng vi phạm.

Tôi cũng đồng tình với ý kiến là nên áp dụng hình phạt lao động công ích đối với những người vi phạm, có thể với lần đầu tiên thì lao động 1 ngày, tái phạm thì có thể là 3 ngày đến một tuần. Nhưng, tất cả những hình thức xử phạt này đều phải được quy định rõ ràng bằng văn bản. Theo quan điểm cá nhân tôi, TP Hà Nội có thể ban hành một quy chế riêng vì Hà Nội là một đô thị đặc biệt, có thể ban hành một quy chế đặc biệt để điều chỉnh hành vi. Theo tôi, nếu Hà Nội làm được việc này thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ vì ai cũng muốn Hà Nội trở thành một thành phố văn minh đúng nghĩa, để khách du lịch đến đây hoàn toàn yên tâm và có cái nhìn thiện cảm về một thủ đô văn hiến.

- Hà Nội có rất nhiều quán bia vỉa hè đông khách. Dễ thấy là khi đã uống no thì đương nhiên có nhu cầu “xả”. Ông có nghĩ đó là một trong những lý do khiến cho đàn ông dễ vi phạm quy định hơn phụ nữ?

- Với đàn ông, việc “đi” dễ và tiện hơn nên có lẽ vì thế mà họ…dễ “xả lung tung” hơn, nhưng nói thế không có nghĩa là không có phụ nữ đâu nhé. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó thì có thể đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho đàn ông phải “xả” tại nơi công cộng nhiều hơn. Nói riêng về vấn đề đàn ông và việc uống bia, theo tôi, những nhà hàng kinh doanh ăn uống, trong đó có cả những quán bia vỉa hè, nếu không đảm bảo có nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn thì không cho kinh doanh nữa. Muốn kiểm tra những hộ kinh doanh ẩm thực có đảm bảo tiêu chuẩn mọi mặt hay không thì cần có sự vào cuộc của các nhà quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, tôi nhắc lại quan điểm là cơ quan quản lý đô thị nên tính toán việc lắp đặt hệ thống vệ sinh công cộng ở những nơi có lượng người qua lại cao. Trong một số trường hợp đặc biệt, như ở khu phố cổ chẳng hạn, do điều kiên không gian có hạn thì có thể thực hiện giải pháp khác. Chẳng hạn như khuyến khích, động viên những cơ quan, doanh nghiệp đóng tại những địa bàn đó xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng hoặc cho phép khách vãng lai vào, tất nhiên là trừ những cơ quan có tính bảo mật cao.

- Cám ơn ông về sự chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã hội văn minh, không có chỗ cho lối sống "nguyên thủy"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.