(HNMO) - Hơn tuần qua, việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam “khai tử” hai bộ sách giáo khoa (SGK): Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, đã tốn khá nhiều giấy mực của báo chí; khiến giáo viên băn khoăn, lo lắng, tác giả hai bộ sách ấm ức, bức xúc ngay trong những ngày nước rút các địa phương phải đưa ra lựa chọn sử dụng bộ SGK lớp 2, lớp 6 nào trong năm học tới.
Không chọn theo bộ, mà chọn theo môn
Không khó để thấy, dù giáo viên đã được quán triệt rằng chương trình mới là pháp lệnh, SGK chỉ là tài liệu hỗ trợ dạy và học, song với điều kiện phát triển của nước ta hiện nay thì tỷ lệ giáo viên đủ trình độ chuyên môn, đủ năng lực chủ động, sáng tạo để dạy học bám sát chương trình mà không phụ thuộc sách giáo khoa không chiếm đa số.
Vai trò của SGK vẫn rất được coi trọng. Bằng chứng là sự kiện đình đám “Tiếng Việt 1 Cánh diều” năm 2020 đã được mổ xẻ khắp nơi, trong một thời gian khá dài. Ầm ĩ tới mức Hội đồng quốc gia thẩm định SGK phải họp, phải yêu cầu sửa; Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải ra khá nhiều văn bản chỉ đạo rà soát không chỉ Cánh diều mà tất cả các bộ SGK; đơn vị xuất bản sách phải xây dựng hẳn một phụ lục để thông tin về hệ thống trang sách phải thay, ngữ liệu phải chỉnh sửa gửi tới các trường sử dụng sách...
Thế nên, sau một năm dạy và học theo 2 bộ SGK bị hợp nhất nói trên thì thông tin từ lớp 2 trở đi, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ không xuất bản 2 bộ sách này nữa đã khiến giáo viên lo lắng. Ít hay nhiều, diện hẹp hay diện rộng, sự biến mất của 2 bộ sách đồng nghĩa với việc các trường hoặc chọn lại bộ sách khác, hoặc tiếp tục sử dụng sách lớp 1 Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, nhưng từ lớp 2 trở lên sẽ phải chọn bộ sách khác. Nếu chọn lại, giáo viên sẽ phải tìm hiểu lại sách, soạn lại giáo án cũng như cần được tập huấn sử dụng bộ sách khác.
Câu hỏi chuyên môn được đặt ra là các bộ sách có triết lý biên soạn, cách tiếp cận khoa học và phương pháp sư phạm khác nhau, khi hợp nhất thì tính kế thừa của các bộ sách sau khi hợp nhất liệu có bị đứt gãy hay không?
Theo thống kê kết quả lựa chọn SGK lớp 1 vừa qua của Bộ GD&ĐT, trong 46 đầu SGK được phân thành 5 bộ, 61 địa phương chọn các đầu SGK của từ 3 bộ SGK trở lên, trong đó, 35 tỉnh chọn SGK của đầy đủ cả 5 bộ. Thực tế là hầu hết các tỉnh không chọn sách theo bộ, mà chọn theo môn.
Lý giải của đại diện Bộ GD&ĐT là: “Mỗi SGK có cách tiếp cận khác nhau tùy theo vùng, miền, có sử dụng một số phương ngữ. Như vậy, các địa phương đã dựa trên yếu tố địa phương, người học để chọn SGK, tạo thuận tiện trong quá trình tổ chức dạy học tại trường…”. Gần một năm học sắp trôi qua, học sinh vẫn học sách từ các bộ khác nhau và chưa thấy việc học sách từ nhiều bộ khác nhau gặp khó khăn, vướng mắc gì.
Thực tế này cho thấy, sau việc hợp nhất 2 bộ SGK, nếu năm học 2021-2022, các tỉnh vẫn chọn sách lớp 2 và lớp 6 theo môn như với lớp 1, thì cái gọi là “triết lý, thông điệp riêng”, “quan điểm biên soạn riêng của từng bộ sách” lại một lần nữa chứng minh là không có nhiều ý nghĩa.
Đã xã hội hóa thì phải “có thêm, có bớt”
Lần thay sách này, các nhà xuất bản, các công ty tư nhân làm sách như VEPIC (đơn vị tổ chức bộ sách Cánh diều) tự bỏ toàn bộ chi phí, tự tổ chức từ bản thảo sách, in ấn cho tới tập huấn giáo viên, không dùng ngân sách nhà nước. Chắc chắn, hai bộ sách bị hợp nhất sẽ khó được tiếp tục lựa chọn ở những năm học tiếp theo, cũng có sự lãng phí nhất định khi khó có thể tái sử dụng toàn bộ sách.
Tuy nhiên, số tiền đó không phải từ thuế của người dân. Luật Giáo dục 2019 quy định “thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK; việc xuất bản SGK thực hiện theo quy định của pháp luật”. Đã xã hội hóa, nhiều đơn vị, đặc biệt là công ty tư nhân, cùng tham gia xuất bản SGK thì cần chấp nhận tình huống “có thêm, có bớt”.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị có tới 4 trong 5 bộ sách lớp 1 được chọn sử dụng, dù trước kia là đơn vị duy nhất biên soạn và xuất bản SGK, cũng không thể tránh được quy luật đó. Nhận thấy làm tới 4 bộ sách không còn phù hợp, không phải là chỉ cho đơn vị làm sách, mà còn cho việc sử dụng sách, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã quyết định hợp nhất 4 bộ thành 2 bộ sách.
Quyết định sớm và có thể nói là dũng cảm này sẽ tránh được những hệ lụy nặng nề hơn. Giáo dục cần sự ổn định nhất định. Với những việc tương tự trong quá trình đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông, ngành Giáo dục cũng cần tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm tối đa sự ổn định cho giáo viên và học sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.