(HNM) - Cộng Hòa không phải là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Quốc Oai nhưng lại có nhiều rào cản trong công tác xóa nghèo bởi hằng năm tỷ lệ hộ nghèo phát sinh, tái nghèo cao.
50% đường giao thông ở xã Cộng Hòa vẫn là đường đất. |
Những mảnh đời éo le
Con đường từ UBND xã Cộng Hòa vào nhà chị Đinh Thị Thảo, ở cụm 6 gập ghềnh, sỏi đá giống như cuộc đời chị. Sống đơn côi, chị Thảo lại bị khuyết tật bẩm sinh nên cuộc sống cơ cực vô cùng. Hiện cuộc sống hằng ngày của chị Thảo chỉ trông vào một sào ruộng khoán. Gia cảnh đã khó nhưng chị Thảo lại thường xuyên đau ốm, cuộc sống càng thêm khó khăn khi phải tằn tiện để có tiền mua thuốc chữa bệnh. "Cũng muốn vươn lên lắm chứ nhưng bệnh tật cứ đeo bám. Lĩnh được đồng trợ cấp nào lại chi hết cho thuốc thang" - chị Thảo cho biết. Ở một hoàn cảnh khác, gia đình chị Thế Thị Hạnh, cùng ở cụm 6 có hoàn cảnh hết sức éo le. Mắc bệnh tâm thần từ nhỏ nên năm nay đã 40 tuổi, nhưng chị Hạnh không biết làm gì, ngay cả việc chăm sóc cho bản thân cũng khó khăn. Con chị Hạnh, cháu Vương Ngọc Tiến cũng căn bệnh giống mẹ, đã 7 tuổi nhưng cháu Tiến như đứa trẻ lên 2. Sống trong ngôi nhà cấp 4 vừa được hỗ trợ xây dựng năm 2010 khang trang, sạch sẽ nhưng bên trong nhà chị không có gì đáng giá, ngoài chiếc giường ngủ và cái quạt điện cũ kỹ.
Không chỉ có chị Hạnh, chị Thảo, cuộc sống của hơn một trăm hộ nghèo ở Cộng Hòa cũng không sáng sủa hơn. Chia sẻ về những khó khăn của các hộ nghèo, những năm qua xã Cộng Hòa đã thực hiện đầy đủ các chính sách xã hội như cấp thẻ bảo hiểm y tế đến 100% số hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ 50% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho thành viên hộ cận nghèo; miễn giảm học phí cho 100% học sinh nghèo, cận nghèo và hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh nghèo theo quy định... Hằng năm, địa phương thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ đột xuất những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Nhưng với điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh éo le như vậy họ rất khó thoát nghèo.
Chủ tịch UBND xã Vương Đắc Thủy không giấu nổi trăn trở khi xã mình còn quá nhiều hộ nghèo có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Anh nhẩm tính, cả xã có 1.643 hộ thì có tới 270 hộ nghèo, chiếm 16,43%. Năm 2011, xã đã quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm nghèo nhưng chỉ giảm được 63 hộ nghèo so với năm 2010, trong khi đó lại có đến 23 hộ nghèo phát sinh. Đáng nói, trong số 270 hộ nghèo thì có tới 165 hộ có người tàn tật, ốm đau bệnh tật, cô đơn; 38 hộ phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ. "Không còn sức lao động, nhiều hộ lại có người ốm đau, bệnh tật triền miên nên đa số hộ nghèo còn lại không thể thoát nghèo, vươn lên làm giàu" - anh Thủy than thở.
Thoát nghèo, cách nào?
Lý giải nguyên nhân dẫn đến nghèo, ông Vương Đắc Thủy cho biết, thu nhập chính của người dân trong xã là sản xuất nông nghiệp nhưng bình quân đất nông nghiệp chỉ có 1 sào/khẩu, trong khi đó, hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng chưa được đầu tư xây dựng. Không những vậy, đồng đất ở đây lại manh mún (bình quân 6 đến 8 thửa/hộ) nên việc áp dụng giải pháp tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị thu nhập khó thực hiện. Đối với các hộ nghèo, không còn sức lao động, nhận thức hạn chế thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn khó hơn.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, khoảng 15 năm trở lại đây xã có thêm nghề dệt len gia công cho xã La Phù (Hoài Đức) nhưng cuộc sống người dân vẫn không được cải thiện bao nhiêu vì thu nhập từ nghề quá thấp (bình quân đạt chỉ đến 40 nghìn đồng/người/ngày), việc làm không ổn định. Thêm nữa, dù chính quyền đã tổ chức các lớp dạy nghề mây tre đan xuất khẩu, thêu ren cho nông dân nhưng tất cả đều không thành vì thu nhập từ các nghề này không cao; nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra không ổn định nên lao động lại bỏ nghề. Trong khi đó, xã Cộng Hòa không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị nên khó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, giao thông nông thôn xuống cấp (mới chỉ có 50% đường liên thôn, liên xóm được cứng hóa, còn lại là đường đất, đường cấp phối) đi lại, giao lưu buôn bán của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Để từng bước giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững, trước mắt xã Cộng Hòa đã tập trung tổ chức các lớp dạy nghề mới; tăng cường tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi... cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo. Đặc biệt, xã tạo mọi điều kiện để hộ nghèo tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do hầu hết các hộ nghèo ở Cộng Hòa có hoàn cảnh ốm đau, bệnh tật liên miên, neo đơn, không còn sức lao động… nên con đường thoát nghèo bền vững ở đây vẫn còn nan giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.