Theo dõi Báo Hànộimới trên

World Cup 2010 và các con số gây ấn tượng

Theo Vnexpress| 14/07/2010 17:05

Mueller, chủ nhân danh hiệu vua phá lưới, đồng thời là cầu thủ ghi bàn nhanh nhất, còn tiền đạo Nhật Bản Honda là cầu thủ phạm lỗi chăm chỉ nhất.


18.449 tình nguyện viên, trong đó người già nhất đã 80 tuổi, đóng vai trò khổng lồ đằng sau thành công của kỳ World Cup đầu tiên tại châu Phi.

Xavi là nhân tố không thể thiếu của hàng tiền vệ nhà tân vô địch World Cup cũng như CLB Barcelona.


669 là số đường chuyền của Xavi (Tây Ban Nha), nhiều hơn 104 so với cầu thủ xếp thứ hai, Bastian Schweinsteiger (Đức). Xavi cũng là cầu thủ có số lần tạt bóng nhiều thứ hai - 44, chỉ kém Diego Forlan (Uruguay) - 50.

World Cup 2010 có 261 thẻ vàng, ít hơn hẳn so với 346 thẻ tại giải 4 năm trước. Số thẻ đỏ cũng giảm mạnh, từ 26 xuống 17.

Có 145 bàn thắng được ghi tại Nam Phi. Đây là con số thấp nhất từ khi vòng chung kết chuyển sang thể thức 64 trận. Trước đó, theo FIFA, giải ở Pháp năm 1998 có 171 bàn, Hàn Quốc/Nhật Bản 2002 có 161 bàn, Đức 2006 có 147 bàn.

Phút 116 là thời điểm Iniesta ghi bàn thắng quyết định vào lưới Hà Lan trong trận chung kết.

Với 39 năm 330 ngày, thủ môn David James (Anh) là cầu thủ nhiều tuổi nhất tại World Cup 2010. Cầu thủ nhiều tuổi nhất ghi bàn là Cuauhtemoc Blanco (Mexico, 37 năm 156 ngày). Christian Eriksen (Đan Mạch) là cầu thủ trẻ nhất giải, 18 năm 120 ngày.

Với 31 lần dẫn bóng độc diễn, Sergio Ramos, hậu vệ cánh của Tây Ban Nha, là cầu thủ rê dắt ấn tượng nhất tại World Cup. Các cầu thủ xếp ngay sau là Lukas Podolski (27 lần), Andres Iniesta (26), David Villa và Lionel Messi (25).

Với 22 bàn thắng, Green Point ở Cape Town là sân chứng kiến nhiều bàn thắng nhất trong 10 sân tại Nam Phi. Sân xếp thứ hai là Soccer City, có 20 bàn, ở thành phố Johannesburg.

Với 22 người được ra sân, Đức là đội sử dụng nhiều cầu thủ nhất. Trái lại, Slovenia, New Zealand và Triều Tiên chỉ dùng 15 người.

Với 19 lần phạm lỗi, tiền đạo Keisuke Honda của Nhật Bản dẫn đầu danh sách cầu thủ phạm lỗi nhiều nhất. Hai cầu thủ có mặt trong trận chung kết, Sergio Ramos (Tây Ban Nha) và Mark van Bommel (Hà Lan), cùng xếp sau với 17 lần.

14 bàn thắng là thành tích của tiền đạo Đức Miroslav Klose qua các kỳ World Cup, chỉ kém một bàn so với kỷ lục của Ronaldo (người Brazil) và sánh ngang cựu tiền đạo đồng hương Gerd Muller.

14 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ là con số kỷ lục của trận chung kết "bạo lực" giữa Tây Ban Nha và Hà Lan. Kỷ lục cũ thuộc về trận chung kết Argentina - Tây Đức năm 1986, với 6 thẻ vàng.

Những cầu thủ của giải vô địch Tây Ban Nha ghi được nhiều bàn nhất tại World Cup 2010 (29 bàn), tiếp đến là Bundesliga (21), Serie A (16) và Anh (12).

9 giờ 19 phút không thủng lưới của đội tuyển Thụy Sĩ là kỷ lục mới tại World Cup (tính gộp nhiều giải liên tục). Kỷ lục cũ là 550 phút của Italy.

Tổng cộng đã có 8 đội giành được chức vô địch thế giới sau khi Tây Ban Nha đăng quang. Tây Ban Nha cũng là đội đầu tiên đoạt chức vô địch sau khi thua trận ra quân và là đội châu Âu đầu tiên lên ngôi ở bên ngoài lục địa của mình.

6 lần dự World Cup là thành tích mới nhất của HLV Carlos Alberto Parreira với 5 đội tuyển khác nhau, phá kỷ lục 4 đội do ông và Bora Milutinovic lập trước đó.

HLV Parreira từng dẫn dắt đội Kuwait, UAE, Brazil, Ảrập Xêút và Nam Phi tại 6 kỳ World Cup.


World Cup 2010 chứng kiến có 6 đội châu Âu lọt vào vòng 16 đội và chỉ có 3 trong số này vào tứ kết, nhưng cả ba sau đó đều đoạt giải. Trái lại, cả 5 đội Nam Mỹ vào vòng 16 đội, 4 trong đó vào tứ kết, nhưng chỉ Uruguay vào bán kết.

Có 3,18 triệu lượt khán giả tới xem 64 trận tại Nam Phi, chỉ kém kỷ lục 3,59 triệu ở World Cup 1994.

Ba cầu thủ David Villa, Andres Iniesta và Carles Puyol là tác giả của 8 bàn cho Tây Ban Nha. Trước đó không có đội vô địch nào có ít hơn bốn cầu thủ lập công. Tây Ban Nha cũng là đội vô địch ghi được ít bàn nhất trong lịch sử.

Ba anh em cùng dự World Cup là một kỷ lục mới, thuộc về Jerry, Jhony và Wilson Palacios của đội tuyển Honduras.

2 đội vào chung kết giải trước, Pháp và Italy, đều bị loại ở vòng bảng năm nay. Điều này chỉ xảy ra một lần trong quá khứ - năm 1966, khi Tiệp Khắc không vượt qua vòng loại còn Brazil bị loại ở vòng bảng.

Hai trận hòa và một thua là kết quả tệ nhất của Italy tại World Cup. Trước đó họ luôn thắng ít nhất một trận và chưa bao giờ xếp cuối bảng. Kết quả này lẽ ra được nhìn thấy trước vì đội quân của HLV Lippi chưa thắng trận nào từ đầu năm 2010.

2 phút 39 giây là thời điểm Thomas Muller ghi bàn sớm nhất tại giải, trong trận Đức thắng Argentina 4-0.

Đội duy nhất bất bại tại World Cup 2010 là New Zealand (bị loại sau vòng bảng). Hà Lan lẽ ra đạt được thành tích này nếu không thua Tây Ban Nha.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
World Cup 2010 và các con số gây ấn tượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.