(HNM) - Trong một cuốn sách bóng đá nổi tiếng, tác giả Simon Kuper đã viết về kinh nghiệm khi đến Nam Phi: "Một cảnh sát nói với tôi rằng ở trong nhà, khóa trái cửa cũng chưa chắc tránh được nạn trộm cướp". Chính vì vậy, hầu hết đội tuyển các nước tỏ ra rất lo lắng, cho dù Ban tổ chức World Cup 2010 nước chủ nhà đã phải nỗ lực rất nhiều nhằm giải tỏa nỗi lo về an ninh.
Nam Phi là quốc gia có tỷ lệ tội phạm thuộc hàng cao nhất thế giới, chưa kể nguy cơ AIDS và những mối lo về xã hội khác. Do đó, hầu hết đội tuyển bóng đá các nước đến dự kỳ World Cup này đều tâm niệm "quân tử phòng thân không thừa", như đội tuyển Đức đã phải trang bị áo chống đạn cho các cầu thủ, đội tuyển Anh được một công ty mời chào trang bị loại áo chống dao... Đi dự hội bóng đá 4 năm mới có một lần mà chẳng khác nào ra trận!
Lực lượng an ninh Nam Phi đã sẵn sàng bảo vệ cho World Cup 2010. |
Các đội bóng đến Nam Phi dự World Cup cứ như đến vùng chiến sự. Nhiều đội đã thuê hẳn lực lượng vệ sĩ riêng cùng các chuyên gia an ninh cao cấp để hộ tống trong suốt hành trình ở Nam Phi. Chi hơn 200 triệu euro cho công tác an ninh, Chính phủ Nam Phi vẫn chưa thể trấn an dư luận. Ngay trước lễ bốc thăm chia bảng vòng loại World Cup 2010 tại Durban, một sự cố lớn xảy ra: doanh nhân Peter Burgstaller là nạn nhân của vụ giết người cướp của ngay tại sân golf của khách sạn Selborne gần Durban. Thật oái oăm ở chỗ Burgstaller lại chính là bạn thân của Franz Beckenbauer.
Trưởng ban tổ chức South Africa 2010 Danny Jordaan trấn an: "Chúng tôi có 147 giải thể thao được tổ chức từ năm 1994 đến nay, chưa bao giờ những sự cố tồi tệ về an ninh xảy ra. Những đội tuyển thể thao gần đây có mặt tại Nam Phi như đội bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc hay đội cricket của Anh đều không đặt ra nghi vấn về an ninh. Không có những tổ chức chính trị cực hữu hoặc phân lập tại Nam Phi. Nếu bạn liệt kê danh sách những đất nước có nguy cơ khủng bố cao nhất thế giới, Nam Phi không thuộc số đó".
Nói thì nói vậy, ngay cả Chính phủ Nam Phi cũng thừa nhận có khả năng xảy ra bạo động hoặc khủng bố trong thời gian diễn ra World Cup. Vụ án đội Togo bị tấn công bằng súng dẫn đến chết người ở VCK Cúp châu Phi 2010 hồi đầu năm nay tại Togo càng làm giới bóng đá tỏ ra lo ngại về công tác an ninh ở VCK World Cup 2010 tại Nam Phi. Nói đến nguy cơ khủng bố, người ta nhắc đến cả cái tên Al Qaeda với thủ lĩnh Osama Bin Laden - đã và đang là mối bận tâm lớn của cả thế giới.
Dường như Hà Lan, Đan Mạch, Mỹ, Anh là 4 nước bị Al Qaeda nhắm đến. Trận Mỹ - Anh vào ngày 12-6 tới sẽ diễn ra trong nỗi ám ảnh có từ lời đe dọa trên trang web Jihadist - một viễn cảnh tồi tệ: "Trận đấu đang diễn ra, bỗng một tiếng nổ vang trời. Hàng trăm người chết, chỉ cần 50g thuốc nổ là đủ". Tháng trước, chính xác là vào ngày 3-5, Abdullah Azam Saleh al-Qahtani (quốc tịch Saudi Arabia) bị bắt tại một ngôi nhà từng là nơi ẩn náu của 2 thành viên cộm cán của Al Qaeda. Tại nơi ở của Abdullah, cảnh sát Iraq tịch thu một kế hoạch chi tiết phục vụ cho nhiều cuộc khủng bố khác nhau.
Abdullah nói rằng Al Qaeda đã chọn Hà Lan và Đan Mạch là 2 mục tiêu tại World Cup 2010. Hà Lan trở thành mục tiêu của các tín đồ đạo Hồi cuồng tín sau một bộ phim chống đạo Hồi của chính trị gia cánh hữu Geert Wilders. Tương tự, một bộ phim hoạt hình của Đan Mạch có sử dụng hình ảnh nhà tiên tri Mohamed của đạo Hồi cũng bị lên án.
Bà Judith Sluiter thuộc Ủy ban Chống khủng bố của Hà Lan nhận định: "Chính phủ Hà Lan rất quan tâm đến vụ này. Bên trong phạm vi Hà Lan, tôi có thể khẳng định rất khó có nguy cơ khủng bố, nhưng ở nước ngoài thì khác. Dù sao, Hà Lan cũng sẽ sẵn sàng đối phó mọi nguy cơ có thể xảy ra".
Chẳng những Hà Lan và Đan Mạch lo âu, chính quyền Nam Phi cũng lên cơn sốt. Gần đến ngày World Cup diễn ra, đất nước Nam Phi như được đặt trong tình trạng báo động đỏ. 44.000 cảnh sát Nam Phi vừa được bổ sung cho lực lượng an ninh tại giải. Bất ổn về an ninh, trật tự xã hội khiến nhiều người lo ngại về mức độ thành công của World Cup 2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.