Theo dõi Báo Hànộimới trên

WikiLeaks làm nước Mỹ chao đảo

Thùy Dương| 01/12/2010 07:28

(HNM) - Đang lao đao về kinh tế, nước Mỹ lại lâm vào tình trạng chao đảo khi ngày 28-11 vừa qua, trang web WikiLeaks đã công khai nội dung của 250.000 văn thư ngoại giao nội bộ của Mỹ cho nhiều tờ báo hàng đầu thế giới. Đó là các thư mật gửi từ sứ quán Mỹ tại nhiều nơi trên thế giới, cho thấy mối quan tâm toàn cầu của nước Mỹ.

Nước Mỹ lại tiếp tục rung động vì những tiết lộ động trời từ WikiLeaks.


Tờ New York Times dẫn lại thông tin của WikiLeaks và đưa con số "1/4 triệu công hàm ngoại giao mật của Mỹ", trong khi đó các tờ báo "Le Monde" của Pháp, "The Guardian" của Anh, "El Pais" của Tây Ban Nha và "Der Spiegel" của Đức cũng dành sự quan tâm đáng kể tới vụ rò rỉ thông tin này trên trang web WikiLeaks. Những công hàm ngoại giao của Mỹ phô ra toàn cảnh chưa từng thấy về những cuộc đàm phán bí mật mà các sứ quán nước Mỹ trên khắp thế giới thực hiện. Những tài liệu mật này bao gồm những tiết lộ mới về "điểm rắc rối hạt nhân, những chi tiết về nỗi lo ngại của Mỹ, Israel và thế giới Ảrập về chương trình hạt nhân của Iran, mối quan tâm của người Mỹ với kho vũ khí nguyên tử của Pakistan và các cuộc thảo luận của Mỹ về một bán đảo Triều Tiên thống nhất"... Hơn thế, số tài liệu này còn đề cập tới hàng loạt nhà lãnh đạo trên thế giới như Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy...

Theo báo giới Mỹ, các tài liệu của WikiLeaks tiết lộ lần này liên quan tới quan điểm ngoại giao của Washington trong giai đoạn từ tháng 12-1966 đến hết tháng 2-2010, những thông tin liên quan tới các tổ chức ngoại giao và tình báo của Mỹ từ sau sự kiện ngày 11-9-2001 và thông tin liên quan hoạt động ngoại giao của quan chức ngoại giao tại 270 điểm trên thế giới. Vậy là chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 7) trang web WikiLeaks đã liên tục làm chính trường Mỹ sôi sục khi tung ra những tài liệu mật. Trước đó, trang mạng này đã công bố gần 500.000 hồ sơ của Mỹ về các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq gây chấn động dư luận thế giới.

Bất chấp sự phản đối của chính quyền Mỹ, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange cho hay những tiết lộ này là loạt đầu tiên trong kế hoạch của WikiLeaks trong số hàng triệu tài liệu ngoại giao mật của Mỹ trong vài tháng tới. Hơn thế, trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Tạp chí Forbes số ra ngày 29-11, Julian Assange còn tuyên bố WikiLeaks chuẩn bị công khai hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn tài liệu có thể "hạ gục" một hoặc hai ngân hàng Mỹ. Các thông tin này sẽ đưa ra cái nhìn chân thực và điển hình về hoạt động của các nhà điều hành ngân hàng, có thể là một trường hợp đặc biệt hoặc một vi phạm đặc biệt, để từ đó thúc đẩy các cuộc điều tra và cải cách.

 Sự kiện hàng triệu tài liệu đã và sắp được WikiLeaks tiết lộ đã gióng lên những hồi chuông báo động về tác hại tiềm tàng của cuộc chiến "tin học", nhất là với ngành ngoại giao Mỹ. Mức độ vụ việc được coi là nghiêm trọng đến mức mà các nhà ngoại giao Mỹ trên thế giới đã được yêu cầu bỏ qua kỳ nghỉ cuối tuần qua (25-11) nhân dịp lễ Tạ ơn, một ngày lễ hết sức quan trọng của người Mỹ. Họ phải sẵn sàng túc trực để có thể đến bộ ngoại giao của các nước sở tại khi cần thiết, để xoa dịu nỗi giận dữ có thể bùng lên một khi những nhận xét "thiếu ngoại giao" về một nhân vật hay một nước nào đó chẳng hạn, bị phơi bày công khai.

Bởi lẽ công chúng, vốn chỉ quen với những hình ảnh hào nhoáng cùng cái bắt tay và nụ cười thường trực trong các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo Mỹ với lãnh đạo thế giới, đã thật sự bị sốc trước những thông tin mà WikiLeaks tiết lộ. Phía sau của những cái bắt tay và nụ cười ấy là những sự thật chưa từng được biết đến trong quan hệ của Mỹ với nhiều quốc gia khác. Vì thế, sức tàn phá của vụ việc này ghê gớm hơn nhiều lần so với 2 lần công bố những tài liệu mật về các cuộc chiến Afghanistan và Iraq. Như thừa nhận của phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs, những thông tin này có thể gây ảnh hưởng sâu sắc không chỉ tới lợi ích chính sách đối ngoại của Washington mà còn tác động tới đồng minh và bạn bè của Mỹ trên toàn thế giới.

Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Washington ngày 29-11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh việc làm của WikiLeaks không chỉ là cuộc tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ các vấn đề của cộng đồng quốc tế. Theo bà H.Clinton, việc WikiLeaks tiết lộ những thông tin ngoại giao nhạy cảm của Mỹ khiến người dân nước này bị nguy hiểm, nền an ninh trong nước bị đe dọa và các nỗ lực của Washington với những nước khác nhằm giải quyết các vấn đề chung bị phá hoại. Bà H.Clinton một mặt trấn an các đồng minh, khẳng định rằng mối quan hệ giữa Mỹ với các nước này vẫn bền chặt, một mặt xin lỗi những rắc rối mà Washington có thể gây ra cho các nước. Bà cũng cho biết giới chức Mỹ đang tiến hành các biện pháp mạnh mẽ để quy trách nhiệm cho những kẻ đã đánh cắp thông tin.

 Ngay sau phát biểu trên, bà H.Clinton đã rời Washington bắt đầu chuyến thăm châu Á 4 ngày nhằm thuyết phục hàng chục đồng minh rằng Mỹ vẫn là đối tác tin cậy sau vụ "Watergate thứ hai" nói trên. Theo kế hoạch, bà H.Clinton sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Tổ chức an ninh hợp tác châu Âu (OSCE) ở Kazakhstan, sau đó thăm Kyrgyzstan, Uzbekistan và Baranh. Nhưng có lẽ cha đẻ của "quả bom sự thật" chưa dừng lại ở đây. Chưa rõ, nước Mỹ sẽ đối phó như thế nào trong những tình huống sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WikiLeaks làm nước Mỹ chao đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.