Theo dõi Báo Hànộimới trên

WikiLeaks khởi động cuộc chiến pháp lý

Minh Nhật| 10/12/2010 07:28

(HNM) - Người sáng lập trang web đang gây khuynh đảo thế giới WikiLeaks, Julian Assange đã bị bắt hôm 7-12 tại thủ đô London của Anh sau khi tới trình diện tại một đồn cảnh sát. Cuộc "săn tìm" người đàn ông khiến nhiều chính phủ trên thế giới "điên đầu" có thể đã khép lại nhưng cuộc chiến pháp lý để buộc tội cha đẻ của "quả bom sự thật" mới chỉ bắt đầu.

WikiLeaks tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động sau vụ bắt giữ tổng biên tập trang web này.

Chỉ sau khi bị bắt vài giờ, nhân vật khuấy đảo thế giới với hai lệnh truy nã đã hầu tòa ở thành phố Westminster. Trong phiên tòa diễn ra chưa đầy một tiếng, Assange đã phản đối đến cùng về việc bị dẫn độ sang Thụy Điển. Tòa án đã bác yêu cầu cho Assange được bảo lãnh tại ngoại vì lo rằng ông này có khả năng bỏ trốn. Tuy nhiên, các luật sư của bị cáo 39 tuổi khẳng định sẽ tiếp tục nộp đơn xin bảo lãnh trong phiên xét xử thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 14-12 tới. Cho dù là "kẻ thù" của nhiều chính phủ, nhưng Assange có không ít người ủng hộ và nhiều người đã tình nguyện đóng góp tới 180.000 bảng Anh để bảo lãnh cho người khai sinh WikiLeaks được tại ngoại.

Quá trình xét xử cũng sẽ quyết định việc cho phép dẫn độ Assange về Thụy Điển hay không, mặc dù theo luật sư bào chữa, khả năng này không dễ. Mỹ cũng đang mong muốn tìm cách dẫn độ Assange để truy tố tại Mỹ với tội hoạt động gián điệp và tiết lộ bí mật quốc gia. Thế nhưng kịch bản này càng khó hơn vì các nước châu Âu sẽ không chấp thuận thực hiện điều đó nếu không xác định chắc chắn rằng, ông chủ WikiLeaks không bị tử hình. Ngoài ra, giới tư pháp Mỹ chỉ có thể vào cuộc khi Assange hoàn thành mọi thủ tục pháp lý với Thụy Điển.

Tuy nhiên, ngoài áp lực từ bên ngoài, phiên tòa được mở ra cũng bởi Wikileaks đã "chọc tức" giới chức Anh khi vừa công bố danh sách một loạt cơ sở chiến lược trên toàn thế giới, trong đó có đường ống dẫn dầu, hạ tầng giao thông vận tải, những hạ tầng có vai trò quan trọng đối với an ninh của Anh. Nhà chức trách lo ngại sau thông tin của WikiLeaks, những địa điểm trọng yếu đó có khả năng trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm khủng bố.

Sinh ra tại thành phố Townsville, bang Queensland, miền Bắc Australia năm 1971, Assange từng là một hacker khét tiếng và lập trang WikiLeaks năm 2006. Tuy nhiên, cái tên này chỉ thực sự gây sóng gió sau khi ba lần công bố các tài liệu mật của Mỹ trong năm nay, bao gồm 90.000 tài liệu về chiến tranh Afghanistan, 400.000 tài liệu về chiến tranh Iraq và mới đây nhất là 250.000 thư tín ngoại giao của Mỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
WikiLeaks khởi động cuộc chiến pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.