(HNMO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang thể hiện sự quan tâm đến việc chống lại các tin tức sai lệch về Covid-19, bằng việc tham gia các kênh thông tin trực tuyến, đặc biệt là các mạng xã hội.
Trong tháng 2, WHO đã lần lượt kết nối với các nền tảng Facebook, Twitter, Instagram. Mới đây, tổ chức này cũng đã tham gia TikTok và phát đi những đoạn clip đầu tiên với mục tiêu hạn chế nguy cơ lây lan Covid-19 và tin tức giả mạo có liên quan.
Nội dung ban đầu được đăng tải, có sự hiện diện của Trưởng bộ phận kỹ thuật phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng WHO Benedetta Allegranzi, giải thích cách người dùng có thể bảo vệ bản thân và cộng đồng chống lại vi rút... Các clip hướng dẫn đã và đang thu hút hàng triệu người xem, có tác dụng lớn trong việc điều chỉnh và loại trừ những hiểu biết sai lệch về cách phòng dịch.
WHO không phải là tổ chức đầu tiên trên thế giới sử dụng TikTok nói riêng và mạng xã hội nói chung cho mục đích cung cấp các thông tin cần thiết. Các nền tảng này thường sở hữu số đông người dùng trẻ tuổi, đồng nghĩa có thể trở thành kênh tuyên truyền hữu hiệu để các tổ chức y tế phổ biến thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.