Việt Nam sẽ tiến hành chặt chẽ các bước kiểm tra chất lượng 1,2 triệu liều vắcxin phòng cúm A/H1N1 (HNM) - Ngày 11-1, Tiến sĩ Jean Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã có ý kiến chính thức trước việc Ủy ban Y tế của Hội đồng châu Âu thành lập Ủy ban điều tra về việc nghi ngờ WHO thổi phồng mức độ của dịch cúm A/H1N1 làm hàng tỷ người dân trên thế giới lo lắng...
TS Jean Marc Olivé cho biết, WHO hoan nghênh quá trình điều tra, xem xét hợp pháp của các cơ quan chức năng nếu điều đó giúp cải thiện công việc của WHO, đồng thời có lợi cho sức khỏe cộng đồng.
Cũng theo TS Jean Marc Olivé, trong giai đoạn đầu của đại dịch cúm A/H1N1, khi chưa biết rõ căn bệnh này sẽ diễn biến nặng hay nhẹ, WHO đã phải có ngay những hành động và khuyến nghị. WHO không hề thay đổi định nghĩa đại dịch trong suốt quá trình dịch bùng phát. Các hướng dẫn sẵn sàng chuẩn bị đại dịch của WHO được xây dựng với sự tham vấn của các quốc gia thành viên và các chuyên gia về cúm đại dịch trong một quá trình kéo dài nhiều năm...
Trước các thông tin cho rằng WHO đã lót tay để các công ty dược có thể dễ dàng kiếm tiền từ việc bán thuốc, vắcxin phòng cúm A/H1N1, WHO cho biết đã yêu cầu tất cả chuyên gia tư vấn cho tổ chức này phải tuyên bố các quyền lợi về mặt chuyên môn và tài chính (bao gồm nguồn tài chính thu được từ các công ty dược phẩm hoặc các cơ quan tư vấn hay các hình thức liên hệ về chuyên môn khác) với các công ty dược phẩm.
Về phía Việt Nam, ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, hôm nay (12-1), Bộ sẽ có thư gửi WHO tại Việt Nam đề nghị xác nhận thông tin này, đồng thời đề nghị WHO sớm đưa ra khuyến cáo để Việt Nam tiếp tục các hoạt động phòng chống dịch cúm A/H1N1, trong đó có kế hoạch tiêm phòng 1,2 triệu liều vắcxin cúm mà WHO viện trợ. Số vắcxin viện trợ trên khi về tới Việt Nam, Bộ Y tế sẽ tiến hành các bước kiểm nghiệm độ an toàn trên động vật thí nghiệm, sau đó kiểm tra khả năng đáp ứng miễn dịch, các phản ứng phụ của người dân Việt Nam với loại vắcxin mới này và xem xét tính đáp ứng miễn dịch có đủ để đối phó với virút cúm A/H1N1 hay không. Nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, vắcxin cúm H1N1 sẽ được tiêm phòng rộng rãi ở đối tượng có nguy cơ cao. Ông Huấn còn nhấn mạnh đến lý do Bộ Y tế siết chặt lại các quy trình kiểm nghiệm là vì WHO có tuyên bố, cơ quan này và nhà sản xuất hoàn toàn vô can về các tai biến liên quan đến 1,2 triệu liều vắcxin viện trợ - ông Huấn nhấn mạnh. Quy trình kiểm nghiệm độ an toàn có thể phải mất từ 3 đến 6 tháng nhưng được biết hiện Bộ Y tế chưa nhận được bất kỳ mẫu vắcxin cúm A/H1N1 của nhà sản xuất để kiểm nghiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.