Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt vạn dặm tìm kỷ vật chiến tranh

Chí Kiên| 30/04/2014 07:51

(HNM) - Nhiều năm qua, những người lính từng một thời

Tâm sáng trong của một cựu tù Phú Quốc

Nằm nép mình trong con ngõ nhỏ ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày từ lâu đã trở thành một "địa chỉ đỏ" cho nhiều người, nhất là lớp trẻ muốn tìm hiểu về một thời kỳ chiến đấu bi hùng của thế hệ cha ông. Người có công lớn nhất xây dựng và đi sưu tầm kỷ vật để hình thành nên bảo tàng như ngày hôm nay là ông Lâm Văn Bảng.

Ông Lâm Văn Bảng giới thiệu tới khách đến tham quan bảo tàng.


Năm nay ông Bảng sang tuổi 72, bước đi của ông đã chậm hơn trước vì mỗi khi trái nắng trở trời, những vết thương trên thân thể lại hành hạ ông. Dưới tán lá xanh rợp trong khuôn viên bảo tàng, người lính già bồi hồi nhớ lại: "Năm 1965 tôi tham gia bộ đội, chiến đấu ở điểm nóng chiến trường Tây Ninh. Tôi đã trải qua những chiến dịch như Bodot, Junction City, chiến dịch Tết Mậu Thân... Trong một trận giao tranh ác liệt vào tháng 5 năm 1968, tôi bị một mảnh pháo xuyên thủng bụng, gãy chân tay. Nhớ mang máng lúc đó được đồng đội kéo lê xuống hào để tránh bom. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trong phòng phẫu thuật dã chiến của địch. Sau đó, tôi đã bị giam ở khám Chí Hòa, nhà tù Hố Nai (Biên Hòa) và "trạm dừng chân" cuối cùng chính là nhà tù Phú Quốc".

Hồi tưởng về những ngày trong khám Phú Quốc, người lính già với mái tóc bạc phơ, vầng trán cao, đôi mắt vẫn tinh anh, giọng trầm trầm: "Tất cả là 4 năm, 8 tháng và 7 ngày ngồi tù. Nhưng chúng tôi "được" nếm những đòn tra tấn dã man, tàn bạo nhất của kẻ thù. Chúng tôi đã giữ trọn khí tiết của người cộng sản. Trở về đời thường, một ý tưởng đi tìm kỷ vật chiến tranh của ông đã được hai người đồng đội là Tô Diệu và Chu Hữu Ngọc hết mực ủng hộ. Vậy là "thai nghén" từ năm 1985, hành trình xây dựng bảo tàng được bắt đầu với công việc đầu tiên của cựu tù Phú Quốc Lâm Văn Bảng là đi tìm kỷ vật của đồng đội.

Tìm kỷ vật rồi, ông Bảng lại "lo" đất để xây dựng bảo tàng. Ông Bảng suy nghĩ, giữa thời buổi "tấc đất tấc vàng", việc tìm đất để dựng bảo tàng không hề dễ. Nhưng mọi việc đã được giải quyết "thuận buồm xuôi gió" khi những người thân trong gia đình ủng hộ và tự nguyện hiến mảnh đất hương hỏa gần 2.000m2 của dòng họ Lâm để làm nơi đặt "đại bản doanh" của những kỷ vật được sưu tầm. Đến ngày 19-12-2004, Phòng truyền thống trưng bày kỷ vật được thành lập. Sau một thời gian hoạt động, thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, đến năm 2006, Phòng trưng bày của những cựu tù Phú Quốc đã chính thức được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận chuyển đổi mô hình hoạt động thành Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Mỗi hiện vật là một câu chuyện xúc động

Gần 30 năm lăn lộn, ông Bảng cùng những đồng đội như ông Nguyễn Trọng Dư, ông Nguyễn Thế Nghĩa, ông Trần Ca, ông Kiều Văn Uỵch... đã vượt ngàn vạn dặm đường xa trên khắp mọi miền Tổ quốc, mang về bảo tàng những kỷ vật vô giá, hàm chứa một giá trị lịch sử và nhân văn to lớn. Kể về hành trình đi tìm kỷ vật đồng đội, ông Bảng không thể nào quên kỷ niệm khi đi sưu tầm lá cờ búa liềm được thấm bằng máu của anh em tù do ông Dư ở xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) cầm giữ. "Tôi và anh em trong bảo tàng phải đến gặp anh Dư không dưới mười lần mới mang được lá cờ về bảo tàng. Mỗi kỷ vật với chiến sĩ cách mạng đều đã thấm đẫm máu xương nên rất đỗi thiêng liêng và trân trọng. Vì vậy khi trao lá cờ cho Bảo tàng, ông Dư mong muốn chúng tôi coi đó là vật để truyền lửa cách mạng cho thế hệ sau"- ông Bảng chia sẻ.

Người lính già Lâm Văn Bảng hạ cặp kính lão xuống bàn, chậm rãi hồi tưởng: "Lá cờ đó đã kết nạp Đảng cho nhiều đồng chí trong ngục tù. Chúng tôi vẫn nhớ, cứ mỗi lần bị địch lục soát, ông Dư cuốn lá cờ bỏ vào túi nilông, dùng chỉ buộc cẩn thận vào răng và thả vào cổ họng. Khi an toàn, lá cờ lại được lấy ra để cổ vũ niềm tin vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của anh em trong tù". Ở Bảo tàng, lá cờ được đặt ở vị trí trang trọng và chú thích cẩn thận: "Cờ Đảng là linh hồn, là báu vật của đảng viên trong nhà tù Mỹ - ngụy. Lá cờ này đã nuốt vào trong bụng nhiều lần khi địch khám trại và kéo ra bằng một sợi chỉ buộc vào chân răng".

Xúc động và đau thương nhất là những hiện vật trưng bày tại bảo tàng mà địch đã dùng để tra tấn chiến sĩ cách mạng trong nhà tù. Ông Nguyễn Trọng Dư, một người đồng đội, một người bạn đã cùng ông Bảng đi sưu tầm kỷ vật hàng chục năm qua nói rằng, "mỗi khi tìm được một hiện vật là những kỷ niệm đau thương đến mức ghê rợn lại ùa về trong tâm trí. Những tiếng kêu la của đồng đội vang lên trong những đêm hoang lạnh khi bị bầy chuột đói bủa ra từ các ngóc ngách nhà tù để rứt thịt ở các vết thương chưa lành. Đến mức mà có chiến sĩ bị chuột gặm mù cả mắt. Ông Bảng, ông Dư cũng không thể quên được những đợt đi Hòa Xá (Ứng Hòa) thuyết phục để mang về được chiếc gậy Trường Sơn đặt ở trụ sở UBND xã. Đáng kể hơn là có hiện vật nằm ở những nơi xa xôi, cách trở như thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), đảo Phú Quốc, Nha Trang... những cựu tù Phú Quốc phải lặn lội ra, vào đây nhiều lần mới mang được về bảo tàng.

Anh Lâm Đức Tiến, một người tự nguyện làm hướng dẫn viên của bảo tàng trong nhiều năm qua giới thiệu cho chúng tôi nghe những kỷ vật đã gắn với những đau thương và bi tráng đi cùng năm tháng cùng các cựu tù Phú Quốc. Đó là những tấm ghi sắt đường băng sân bay, một dụng cụ tra tấn theo hình thức được địch gọi là "tắm máu". Cai ngục bắt tù binh lộn trên vỉ sắt, khi nào máu ở đầu, ở người nhễ nhại trên cơ thể tù binh chúng mới chịu dừng. Rồi đến hình ảnh bi hùng của người đảng viên kiên cường Dương Bá Ngà ở thôn Trình Viên, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, khi đó là Bí thư chi bộ đã bị bọn giám thị A5 đem đi tra tấn hết sức dã man. Chúng đã dùng nước sôi đổ vào miệng cho đến khi hy sinh. Chỉ vào chiếc thùng phuy đã han gỉ nhiều chỗ, anh Tiến giới thiệu: Khách tham quan đến đây rất ấn tượng với hiện vật này chính vì lịch sử của nó. Chỉ đơn giản gọi là thùng đựng rác, nhưng vào thời điểm năm 1972, chiến sĩ của ta đã nằm trong thùng để được khiêng ra hố rác và đã có 2 đồng chí vượt ngục thành công. Anh Tiến cho biết, cảm động nhất với những người trông coi Bảo tàng chính là sự kiện bà cụ Đỗ Thị Cử ở thôn Giang Xá, xã Đức Giang (huyện Hoài Đức) khi đến tham quan đã nhận ra kỷ vật của người con trai mình là liệt sĩ Nguyễn Hữu Thụ. Anh Tiến cho biết: "Khi nhìn thấy những đồ dùng quen thuộc của con trong tù, bà cụ đã ôm mặt khóc nấc từng hồi. Cả đoàn người hôm đó đã không cầm được nước mắt".

Nơi giữ lửa cho đời sau

Ở bảo tàng, chúng tôi đã được tận mắt thấy nhiều kỷ vật thiêng liêng, mang lại rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ cho khách tham quan như chiếc kim khâu may cờ Đảng của anh Nguyễn Trọng Hà tỉnh Thái Bình; bộ cờ dùng lúc họp Đoàn; chiếc vồ biệt ly; cũi sắt; lời thú tội của một cai ngục... Theo ông Lâm Văn Bảng, hiện Bảo tàng có khoảng 3.000 hiện vật, các hoạt động sưu tầm, lưu giữ và quản lý, giới thiệu đang được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của 15 cán bộ, nhân viên. Ông Bảng cho biết, bảo tàng ra đời với mục đích cao cả nhất là nơi "giữ lửa, truyền lửa truyền thống cách mạng" cho mọi thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Bảo tàng cũng là nơi lưu giữ, thể hiện những hiện vật tố cáo tội ác chiến tranh; là mái nhà chung của tất cả các chiến sĩ cách mạng đã tham gia giải phóng và thống nhất đất nước. "Bảo tàng còn là nơi sưởi ấm những linh hồn anh hùng liệt sĩ, là nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái, vì nghĩa, vì tình trong cuộc sống hôm nay" - ông Bảng bồi hồi nói với chúng tôi.

Trong một lần đến thăm bảo tàng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã xúc động viết: "Mãi mãi ghi nhớ những kỷ niệm ngàn đời không bao giờ quên được những năm, tháng, ngày bị giam cầm trong nhà tù Mỹ - ngụy". Phó Giáo sư Sử học David Stic, giảng viên trường đại học ở California, khi đến thăm bảo tàng đã cảm động viết: "Chúng tôi thấy khốc liệt, ác liệt và bất ngờ vì bảo tàng có nhiều kỷ vật đậm nét lịch sử chiến tranh. Tôi nghĩ bảo tàng rất cần thiết cho mọi người, nhất là sinh viên để hiểu biết về lịch sử của những người bị bắt tù đày".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt vạn dặm tìm kỷ vật chiến tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.