Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt vạn dặm rừng tìm cây thuốc

Đỗ Thành Nam - Hồng Hiếu| 21/09/2016 06:40

(HNM) - Rong ruổi khắp các địa phương hàng chục năm, in dấu chân trên hầu hết các cánh rừng trong nước, thậm chí vượt ra khỏi biên giới để đưa cây dược liệu về bảo tồn, làm thuốc chữa bệnh cho người dân.


Vì bệnh mà… bén duyên với cây thuốc

Men theo con đường đất uốn lượn qua các thửa ruộng thơm mùi cỏ cây, chúng tôi cảm nhận đã đặt chân đến “vương quốc” của cây dược liệu. Hiện ra trước mắt chúng tôi là ngút ngàn các loại cây kim tiền thảo, hương nhu, sả... tỏa hương khắp cánh đồng. Lần theo đó, chúng tôi tìm đến nhà ông Thân Văn Sách, người đầu tiên đưa cây dược liệu về đồng đất này.

Ông Thân Văn Sách giới thiệu cây thuốc chữa bệnh rụng tóc.


Khuôn mặt rám nắng, dáng người nhỏ nhưng săn chắc, giọng nói điềm tĩnh, ánh mắt toát lên vẻ tự tin - ông Sách đã đem lại cho chúng tôi cảm giác thật gần gũi ngay lần đầu tiếp xúc. “Nói đến cây dược liệu thì phải mắt thấy, tai nghe mới hiểu hết cái đẹp và công dụng của nó”, ông Sách hồ hởi kéo chúng tôi ra khỏi bàn trà. Chỉ tay vào một loại cây lá xanh thẫm to bằng bàn tay, ông giới thiệu: “Đây là loại lá trị bệnh xương khớp, khi bị gãy xương, chỉ đắp lá vào sẽ tự liền. Loại cây này tôi lấy từ rừng sâu về”. Bước chân ra ven bờ ao, ông chui tọt vào lùm cây, hái ra một loại lá mềm, dài rồi khoe: “Loại này rất hiếm, ưa trồng ở đất ẩm ướt, rất tốt cho người rụng, hói tóc. Tôi đang cố gắng gây tạo giống”. Cứ mỗi bước chân theo ông lại là hàng loạt tên các loại cây với đầy đủ công dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian chiết xuất đạt tinh chất tốt nhất… khiến chúng tôi hình dung trước mắt không phải là người nông dân chất phác mà là một nhà khoa học thực thụ với sự hiểu biết sâu sắc về các loại cây dược liệu.

Cơ duyên khiến ông Sách gắn bó với cây dược liệu thật bất ngờ. Ông vốn xuất thân từ gia đình nghèo có 7 anh chị em. Lập gia đình từ rất trẻ, 5 đứa con lần lượt ra đời trong sự khốn khó. Năm 1974, ông lặn lội lên Thái Nguyên làm công nhân gang thép. Lao động quá sức, ông bị thoái hóa cột sống trầm trọng. Cuộc sống của ông lúc này lấy bệnh viện làm nhà. Thương em hoàn cảnh khốn khó, anh rể ông ở Cao Lộc (Lạng Sơn) cất công tìm mua thang thuốc của bà con dân tộc về chữa trị cho em. Ba thang thuốc này như “một phép màu kỳ diệu” giúp ông khỏe mạnh trở lại.

Nhiều người trong làng bị đau cột sống biết tin cũng nhờ lấy hộ. Thấy ai dùng đều hữu hiệu, ông cất công đem loại thuốc này lên nhờ các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phân tích giúp công dụng và hành trình đi tìm cây dược liệu của ông Sách cũng mở ra từ đó.

Dấu chân trải vạn dặm rừng sâu

Vậy là hằng ngày cứ chiếc xe máy cà tàng, ông rong ruổi đi tìm cây dược liệu khắp các cánh rừng. Đến nơi nào, ông lân la tìm đến người chuyên vào rừng lấy cây thuốc, hỏi mua thuốc của họ, tìm hiểu công dụng, rồi cùng theo chân vào rừng sâu kiếm thuốc. Ông sống cả tuần, cả tháng ở các bản làng xa xôi. Thuốc mang về, ông lại chạy xe đến Viện Dược liệu Việt Nam nhờ phân tích, đánh giá. Ông được Viện “đặt hàng” đủ các loại cây dược liệu. Khi thì cây bồ bồ, lúc lại nấm tỏi dương, khi thì bó lá khô, lúc lại lủng lẳng cả bọc cây tươi đem về làm giống. Cứ trong viện có nhu cầu loại cây gì, ông lại tìm mang về bằng được loại đó. Không chỉ các cán bộ ở Viện Dược liệu Việt Nam, ông còn “bắt mối” với hầu hết các nhà nghiên cứu dược liệu ở khắp các trường đại học, viện nghiên cứu. Nhắc đến ai, nghiên cứu đề tài loại cây con gì, ông đều thuộc nằm lòng.

Không chỉ dừng ở các rừng trong tỉnh, ông còn chạy xe đến khắp các cánh rừng sâu Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, hết miền Bắc lại vào miền Trung, Tây Nguyên, thậm chí sang cả Lào để tìm cây thuốc quý hiếm. Có lần vào rừng sâu, vừa lần tìm nấm quý trong gốc cây, ông bị rắn hổ mang nặng hơn 3kg mổ sượt hay những lần bị mắc kẹt, chịu đói, rét vì mưa lũ nhưng khó khăn không ngăn cản được đam mê của ông. “Tôi đam mê với cây thuốc, càng đi mới thấy trong nhân gian vô vàn loại cây thuốc quý hiếm. Nó như sức hút khiến mình không biết mệt mỏi, vất vả là gì”, ông Sách bộc bạch.

Bao năm “nếm mật, nằm gai” ở rừng sâu, ông đã thông thạo từng loại cây thuốc gì ở vùng nào, nơi nào có, ai thu gom. Từ đây, các công ty dược tìm đến ông. Đến nay, ông trở thành “cầu nối” thu gom dược liệu cho hơn 100 doanh nghiệp. Trong đó, có doanh nghiệp lớn như Công ty Sao Thái Dương, Công ty Dược trung ương 5, Công ty Dược Á Châu. Vào mùa thu hoạch nguyên liệu, nhà ông tấp nập chuyến xe từ các nơi chở đến. Mỗi năm, ông thu mua hàng trăm tấn dược liệu. Từ việc thu gom cây thuốc, ông giúp hàng trăm hộ dân ở vùng lân cận xóa đói, giảm nghèo.

Bảo tồn và phát triển cây dược liệu

Sau mỗi chuyến đi, ông nhận thấy rừng ngày càng bị tàn phá nhiều, cây dược liệu càng ngày càng hiếm hoi. “Tại sao mình không trồng thử các loại cây thuốc để bảo tồn?” - ý nghĩ đó đã xuất hiện trong ông. Nghĩ là làm, khi đi rừng về, lúc thì ông mang hạt, khi lại mang cây giống về trồng thử ở vườn nhà. Nhưng suốt 2 năm thử nghiệm, hầu hết các cây dược liệu ông trồng đều không thành công. Không nản, ông vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế từ dân bản vừa đem giống lên tận viện nghiên cứu phân tích rõ loại cây này trồng bằng hạt hay thân, rễ, ưa khí hậu, thổ nhưỡng nào, thời điểm nào xuống giống, khi nào thu hoạch. “Trời không phụ công người”, cứ như vậy, ông đã từng bước chinh phục các loại cây dược liệu, trong đó có nhiều loại quý hiếm.

Từ năm 2005, thấy ông trồng cây dược liệu cho thu hoạch gấp nhiều lần trồng lúa, bà con xung quanh học hỏi, làm theo, ông trở thành người vừa cung cấp cây giống, vừa hướng dẫn kỹ thuật lại bao tiêu sản phẩm. Hiện ông đang trồng khoảng 30ha cây dược liệu ở Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang… Ông Thân Văn Tâm, Trưởng thôn Bình Minh, xã Minh Đức cho biết: "Nhờ có ông Sách đưa cây dược liệu về trồng, nhiều hộ dân trong thôn đã thoát nghèo, có của ăn của để. Hiện nay, hầu như hộ nào trong thôn cũng trồng cây dược liệu cho ông Sách". Ngoài ra, ông Sách còn liên kết với 6, 7 công ty trồng hàng trăm héc ta dược liệu ở 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Gia đình ông còn là “địa chỉ” được các trường đại học nông nghiệp gửi sinh viên đến thực tập.

Tháng 8-2015, ông Thân Văn Sách thành lập HTX Dược liệu Khánh Hoa, từ đó thúc đẩy mở rộng mô hình sản xuất, giúp bà con địa phương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Để sơ chế dược liệu ban đầu trước khi cung cấp cho các công ty dược, ông còn mày mò sáng chế nhiều loại máy như máy cắt, máy ép, hệ thống sấy.

Năm nay đã gần 60 tuổi nhưng đôi chân dường như chưa biết mệt, ông vẫn năng nổ đi lại nay ở tỉnh này, mai ở tỉnh kia. Điều đáng quý, ông đã truyền hiểu biết về dược liệu cho con trai ông, anh Thân Quang Lô hiện đã học y học Tuệ Tĩnh, mở cửa hàng thuốc đông y, chuyên cắt thuốc, bấm huyệt chữa bệnh cho bà con xa gần.

Bao năm gìn giữ, bảo tồn và phát triển cây dược liệu, ông đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND huyện Việt Yên tặng nhiều Bằng khen.

Chia tay chúng tôi, ông chia sẻ mong ước mở được một nhà máy chiết xuất tinh chất dược liệu ngay trên quê hương mình để giúp bà con nơi đây có thể làm giàu ngay từ cây dược liệu, loại cây đã làm thay đổi cuộc đời ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt vạn dặm rừng tìm cây thuốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.