Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt qua thói quen

Nguyễn Hòa Bình| 23/09/2011 06:44

(HNM) - Thế là, sau nhiều lần tạm hoãn, việc phân làn giao thông (dẫu đã qua đến 3 lần thí điểm), cũng đã được tổ chức thực hiện bước đầu trên hai tuyến phố Bà Triệu và Hàng Bài - phố Huế của khu vực nội thành Thủ đô.


Ba ngày thực hiện chưa phải là nhiều. Ba ngày ý kiến khen, chê trái chiều nhau cũng là điều bình thường. Thậm chí, không muốn nói rằng có ý kiến còn coi chuyện này như một thứ bày vẽ, tốn tiền của, khi mà hạ tầng giao thông còn quá kém, nhưng lượng người tham gia giao thông lại luôn tăng với cấp số nhân. Câu chuyện muôn thuở về bài toán giao thông đô thị đã làm đau đầu không ít nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và cuối cùng chỉ là những cuộc tranh luận xem ra cũng chẳng có hồi kết, khi mà thực trạng giao thông đô thị chưa kịp thay đổi đã ngày một trở nên phức tạp hơn, nếu không muốn nói có phần lộn xộn hơn.

Hành vi tham gia giao thông theo kiểu lộn xộn, hình như đã tạo thành nếp nghĩ thường trực của mỗi người; để rồi, cho đến một ngày như hôm nay, nó bỗng trở thành thói quen mà ai cũng coi là sự đương nhiên cần chấp nhận mà tồn tại.

Có điều, sự chấp nhận để tồn tại ấy đang ăn mòn dần ý thức chấp hành luật lệ (không chỉ là Luật Giao thông đường bộ) của hầu hết một thế hệ. Vì thế, nếu chúng ta không kịp nhận ra, không kịp chấn chỉnh, quyết liệt thay đổi nó có thể sẽ tạo thành thói quen "vượt lên" mà bất chấp tất cả, một thói quen góp phần không nhỏ làm đảo lộn và phá vỡ những giá trị xã hội.
Ba ngày thực hiện chưa phải là nhiều.

Các cơ quan thực thi nhiệm vụ tổ chức giao thông cũng đang dần nhận ra những bất cập cần sớm khắc phục. Hãy giúp cơ quan chuyên môn, cơ quan thực thi pháp luật khi họ cũng đang quyết thực hiện tốt nhất nhiệm vụ này, dẫu thực tiễn khách quan cũng đang đặt cho họ những câu hỏi không dễ giải đáp. Chỉ có điều, các ý kiến đóng góp cho những cơ quan ấy nếu thiếu cơ sở khoa học, hạn chế về tầm nhìn, không khéo lại góp phần vun cao hơn tâm lý nhờn luật của những người tham gia giao thông?

Ba ngày đã qua, thực tế cũng chứng tỏ một điều, người tham gia giao thông nếu được tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện một cách thiết thực, thì chính họ cũng coi điều đó là hợp lý và cần thiết.

Câu chuyện phân làn giao thông chắc chắn chưa thể đến hồi kết. Nhưng, điều quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định đến thành công của các phương án tổ chức giao thông ấy chính là sự khơi dậy trong mỗi người ý thức tự giác chấp hành luật lệ, tự biết ghép mình vào khuôn khổ của một tổ chức, một cộng đồng nhỏ để cùng làm cho tổ chức, cộng đồng ấy tốt hơn.

Xin hãy bắt đầu từ việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật (trong đó có Luật Giao thông đường bộ) cho mỗi công dân ngay từ khi họ còn nhỏ. Bởi nếu không có ý thức ấy, làm sao có được trật tự xã hội, trong đó có trật tự an toàn giao thông đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt qua thói quen

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.