(HNMO) – Ngành công nghiệp hỗ trợ ở Hà Nội cũng như Việt Nam nói chung hình thành từ khá lâu nhưng nhìn chung còn manh mún, tự phát, chưa có quy mô lớn, đồng nhất về chất lượng...
Nhận thức được vấn đề trên, trong những năm gần đây, nền kinh tế Hà Nội cũng đang chuyển mình, đưa ra những cơ chế chính sách để khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, PVHNMO đã có dịp trao đổi với ông Lưu Tiến Long – Giám đốc Sở Công thương Hà Nội về ngành công nghiệp hỗ trợ ở Hà Nội đang đứng ở đâu và sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới.
* Xin ông đánh giá về thực trạng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Hà Nội hiện nay?
Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã hình thành và phát triển trên 20 năm ở hầu khắp các ngành sản xuất gốc, nhưng chủ yếu sự phát triển đó mang tính tự xuất phát từ nhu cầu thực tế trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chưa có sự định hướng chiến lược tập trung vào một số ngành trọng điểm để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ ở Hà Nội hiện đang chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Trong đó có các doanh nghiệp chuyên doanh sản xuất linh kiện phụ tùng tô tô với sản lượng lớn tập trung nhiều vào các doanh nghiệp vốn FDI của Nhật Bản như Công ty Matsuo Industries, Ohara Plastic, Sakurai… Các doanh nghiệp trong nước mới chỉ làm được một số ít sản phẩm công nghệ đơn giản nhất là gò hàn, sơn đống thùng bệ, mà phần lớn do doanh nghiệp lắp ráp xe tự sản xuất để cung ứng cho chính mình.
Tiếp theo đó, ở nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử - tin học. Các doanh nghiệp có giá trị sản lượng cao phần lớn là các doanh nghiệp vốn FDI chuyên doanh vào các chi tiết link kiện cho ngành điện tử, máy vi tính, máy ảnh…
Ngoài ra, ở Hà Nội có các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong ngành cơ khí chế tạo, ngành điện, vật tư – linh kiện cho ngành cơ khí, ngành dệt may – da giày.
Nhìn chung, với khoảng hơn 104 ngàn doanh nghiệp đang sản xuất công nghiệp trên địa bàn, số doanh nghiệp tham gia vào chuỗi toàn cầu không nhiều.
* Theo ông, vì sao ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội lại phát triển chậm?
* Sự chậm trễ của ngành công nghiệp hỗ trợ có nhiều nguyên nhân. Xuất phát điểm doanh nghiệp của chúng ta yếu kém, tư duy kinh doanh của doanh nghiệp muốn làm từ A – Z. Trong khi đó làm hỗ trợ chỉ sản xuất chi tiết để tham gia vào chuỗi tổng thể. Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới chưa lâu, để có sản phẩm tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu phải có chất lượng tốt, đồng đều, sản lượng lớn. Hơn nữa, cơ chế chích sách chung dành cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của cả nước cũng như của Hà Nội đang phải tiếp tục bổ sung và hoàn thiện.
* Hà Nội sẽ phát triển mũi nhọn vào những ngành công nghiệp hỗ trợ nào thưa ông?
* Hà Nội định hướng phát triển công nghệ ứng dụng cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao. Đó là những sản phẩm ứng dụng tự động hóa, tin học, sinh học, vật liệu mới, cơ điện tử, thiết kế mẫu mã trong ngành dệt may… sử dụng ít lao động hơn, phát thải ra môi trường ít hơn. Hà Nội phải đưa ra một loạt cơ chế chính sách, môi trường để doanh nghiệp có thể tham gia, phát triển như: đầu tư phát triển cơ sở, hạ tầng, khu công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn…
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 3 khu công nghệ cao (với tổng diện tích quy hoạch là 1.852 ha), 19 khu công nghiệp (tổng diện tích quy hoạch là 5.229 ha), 53 cụm công nghiệp (tổng diện tích quy hoạch là 3.635 ha), 176 cụm công nghiệp làng nghề (tổng diện tích quy hoạch là 1.295). Hơn nữa, Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt xây dựng Khu công nghiệp hỗ trợ phía Nam thành phố với tổng diện tích khoảng 600 ha, hiện 60 ha đã đã được giải phóng mặt bằng để chuẩn bị thu hút nhà đầu tư.
Mặt khác, để các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ tiếp xúc với các máy móc, công nghệ hiện đại, liên kết với các nhà sản xuất quốc tế, từ ngày 15-17/9/2011, tại Trung tâm triển lãm quốc tế Hà Nội; Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội (thuộc Sở Công thương Hà Nội) có phối hợp với Công ty triển lãm hàng đầu Đông Nam Á Reed Tradex và một số bên liên quan khác tổ chức một triển lãm “3 trong 1” gồm: Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 4 tại Hà Nội; Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2011; Triển lãm quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam. Triển lãm là hoạt động Sở Công thương Hà Nội thực hiện trong chương trình xúc tiến năm 2011, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm công nghiệp phụ trợ của Việt Nam và Hà Nội. Đó là cơ hội tốt để ngành chế tạo công nghiệp phụ trợ có thể liên kết và giao thương trực tiếp với nhà nhập khẩu, từ đó gia tăng cơ hội kinh doanh cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với các công nghệ chế tạo ở trong khu vực và trên thế giới, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, Nhật Bản sau thảm họa kép động đất và sóng thần đang muốn chuyển dịch sản xuất sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, đó là cơ hội để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và Hà Nội cần nắm lấy cơ hội và phát triển.
Hy vọng, trong 5 năm tới, giá trị của ngành công nghiệp hỗ trợ ở Hà Nội sẽ tăng từ 25% hiện nay lên 50%...
* Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.