Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt qua “cơn ác mộng”

Phương Quỳnh| 14/07/2015 06:10

(HNM) - Sau 17 giờ đàm phán căng thẳng, thâu đêm tại thủ đô Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã đạt được thỏa thuận cung cấp khoản cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp.



Động thái này đồng nghĩa với việc xứ sở các vị Thần sẽ tiếp tục ở lại Eurozone, nền kinh tế toàn cầu tránh khỏi cơn hỗn loạn tài chính nhãn tiền. Dự kiến, khoản tiền trị giá 10 tỷ euro sẽ được cấp cho các ngân hàng Hy Lạp thông qua Cơ chế Bình ổn Châu Âu (ESM) ngay sau khi Quốc hội nước này thông qua kế hoạch cải cách theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo Eurozone (trước ngày 15-7). Một quỹ tín thác tài sản trị giá khoảng 50 tỷ euro dưới sự vận hành của Hy Lạp cũng sẽ được thành lập. Tuy nhiên, quỹ này phải chịu sự giám sát chặt chẽ của EU.

Đạt được gói cứu trợ, song Thủ tướng A.Tsipras (giữa) có thể sẽ phải đối mặt với sức ép từ người dân Hy Lạp.



Để đạt được gói cứu trợ tài chính thứ ba trong vòng 5 năm có giá trị ước tính lên tới 86 tỷ euro, Athens buộc phải chấp nhận chương trình "thắt lưng buộc bụng" khắt khe liên quan tới biện pháp thay đổi luật thuế giá trị gia tăng và hệ thống tiền lương hưu, cũng như việc cải cách các quy định về phá sản và củng cố tính độc lập của cơ quan thống kê quốc gia. Đây là một cú đảo chiều đầy bất ngờ về lập trường của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Trong suốt 6 tháng qua, kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo 40 tuổi này vẫn kiên trì theo đuổi cam kết phản đối các chương trình thắt chặt chi tiêu đau đớn mà các chủ nợ áp đặt lên Hy Lạp. Cũng vì quan điểm này, ông A.Tsipras nhận được sự tín nhiệm từ phía các cử tri.

Theo các nhà phân tích, việc Thủ tướng A.Tsipras buộc phải chấp nhận yêu cầu cải cách khắt khe từ EU vì đây là lựa chọn tốt nhất cho Hy Lạp vào thời điểm này, khi các ngân hàng đã đóng cửa trong 2 tuần, kèm theo đó là việc rút tiền bị hạn chế tối đa. Nhìn chung nền kinh tế của xứ sở các vị Thần đã bị dồn đến chân tường. Chấp nhận gói cứu trợ mới, Hy Lạp sẽ tránh khỏi sự sụp đổ với nhiều hậu quả khó lường. Thế nhưng, động thái này cũng có thể mang đến cho Thủ tướng A.Tsipras những rủi ro trên chính trường.

Mặc dù Quốc hội Hy Lạp đã bật đèn xanh cho kế hoạch cắt giảm của Chính phủ, nhưng để đạt được điều này, ông A.Tsipras phải dựa vào số phiếu của các nghị sĩ đối lập trong Quốc hội, sau khi chính những nghị sĩ cánh tả phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu mà ông đề ra. Cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp tuần trước cũng được coi là lá phiếu ủng hộ chính sách của ông A.Tsipras - nói "Không" với kế hoạch "thắt lưng buộc bụng". Song, ngay sau đó Thủ tướng A.Tsipras lại đưa ra đề xuất cải cách để đổi lấy cứu trợ. Điều đó khiến nhiều người dân không hài lòng. Đáng nói hơn, những đề xuất mới gồm các gánh nặng thuế, các cắt giảm chi tiêu đã có từ trước đang ảnh hưởng nghiêm trọng xã hội Hy Lạp. Vì vậy, sẽ không bất ngờ nếu Chính phủ cánh tả của Thủ tướng A.Tsipras phải đối mặt với những bất ổn khi nhiều người dân xứ sở các vị Thần cảm thấy niềm tin đặt vào lá phiếu của họ bị "phản bội". Tâm lý bất mãn gia tăng kéo theo các cuộc biểu tình bạo lực có thể nhấn chìm Hy Lạp vào một cuộc khủng hoảng mới.

Các thành viên Eurozone muốn giữ chân Hy Lạp, nhưng cũng phải đối mặt với những sức ép từ trong nước, điển hình là Đức. Hiện tại, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang hứng chịu không ít chỉ trích khi tiếp tục tung tiền cứu Hy Lạp trong khi Athens bị coi là một thành phần phá vỡ các nguyên tắc và cản trở nền kinh tế của khu vực. Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin - được cho là đồng minh mạnh nhất của Hy Lạp trong Eurozone cũng cho rằng, lòng tin đã bị Chính phủ Hy Lạp hủy hoại nhiều năm qua, khi họ không thực hiện những cam kết đưa ra.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, sự kiện Eurozone và Hy Lạp đạt được thỏa thuận về khoản cứu trợ mới chỉ có thể giúp Châu Âu tạm vượt qua "cơn ác mộng" đổ vỡ một biểu tượng của sự thống nhất - niềm tự hào của Cựu lục địa suốt hơn 15 năm qua. Những rắc rối xuất phát từ Hy Lạp chắc chắn sẽ tiếp tục là vấn đề "nóng" đối với Lục địa già.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vượt qua “cơn ác mộng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.