Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt lên nỗi đau da cam

Thành Vinh| 17/02/2011 07:06

(HNM) - Nhắc đến ông Nguyễn Kim Khướng, nhiều người dân và hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội đều bày tỏ lòng cảm phục về nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của ông. Đến nay, dù chưa hết khó khăn nhưng cuộc sống của gia đình CCB Khướng đã đỡ vất vả hơn.


Nhập ngũ năm 1971, ông Nguyễn Kim Khướng vào chiến đấu ở chiến trường Trung Lào và Tây Nguyên. Năm 1979, ông phục viên về địa phương, cũng là lúc ông và gia đình phải chịu nỗi đau mang tên "da cam". Ba trong số 4 người con của ông bị khiếm thị do chịu ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin. Chấp nhận số phận, ông Khướng động viên vợ cùng cố gắng nuôi dạy các con cho tốt.

Khi hai con lớn là cháu Ơn và Huyền lên 8, 9 tuổi, vợ chồng xin cho con vào học Trường Nguyễn Đình Chiểu. Chăm hai cháu nhỏ mới ra đời lại phải tiết kiệm để nuôi hai cháu ăn học xa nhà nhưng vợ chồng ông vẫn động viên các con cố gắng học tập cho tốt. Ông Khướng thường nhắc các con: "Bố không có tiền bạc cho các con, nhưng dù thế nào cũng sẽ lo được cho các con học tập, học được thì phải cố gắng học". Lời nhắc chân tình, mộc mạc cùng sự hy sinh không quản ngại khó khăn, vất vả của bố mẹ là nguồn động viên ba người con khiếm thị cố gắng vươn lên. Sau khi học xong Trường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Kim Ơn đã thi đỗ vào Khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện Âm nhạc quốc gia, rồi vừa học nhạc vừa tiếp tục theo học bậc THPT. Đến nay, Ơn đã tốt nghiệp đại học và thường tham gia các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn ở nhiều địa phương. Người con gái thứ hai Nguyễn Thị Huyền đã tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Quận hội Người mù quận Hà Đông. Cả hai người đều đã có thể tự lo cho cuộc sống bản thân mình. Còn cô con gái út Nguyễn Kim Sen, sau khi học xong Trường Nguyễn Đình Chiểu, đã thi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia, Sen còn đang theo học năm thứ nhất Khoa Quản trị kinh doanh - Viện Đại học Mở Hà Nội.

Với vợ chồng ông Khướng, sự trưởng thành của các con là những món quà tinh thần quý giá để ông tiếp tục cố gắng hơn nữa vì các con. Đến nay, ông Khướng vẫn luôn hỗ trợ các con trong học tập, công tác, đồng thời hằng ngày vẫn đi làm nghề "xe ôm" kiếm thêm thu nhập. Ông khoe: "Tôi đang cố làm để tiết kiệm mua cho cô con gái út chiếc máy tính, tạo điều kiện cho cháu học tập tốt hơn".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vượt lên nỗi đau da cam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.