Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt lên bằng niềm tin và nghị lực

Thanh Thúy| 22/03/2011 06:59

(HNM) - Chị Nguyễn Thị Phượng - Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Anton (Thanh Hóa) luôn sống tự tin, lạc quan và  hài hước. Chị quan niệm:

Năm 1994,  ở tuổi 20, một cú ngã cầu thang bất ngờ khiến cô gái trẻ Nguyễn Thị Phượng bị chấn thương cột sống dẫn đến hai chi dưới bị liệt hoàn toàn. Cuộc đời cô sinh viên đại học Ngoại ngữ bắt đầu phải gắn với chiếc xe lăn. Sau một thời gian bị "sốc", Phượng mới lấy lại được thăng bằng.

Chị Phượng nhận giải thưởng "Alaxan - chiến thắng nỗi đau".


Bắt đầu cuộc sống mới, Phượng lao vào học và đọc tất cả những gì có thể. Chị hoàn thành liên tiếp hai tấm bằng đại học ngoại ngữ và đại học tại chức kinh tế rồi dấn thân làm kinh tế. Năm 2004, chị thành lập Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Anton, chuyên kinh doanh, sản xuất nước khoáng và dịch vụ du lịch. Tiếp đó, chị đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng Nhà máy nước khoáng Félicôté trên diện tích 5.000m2 tại xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Khó có thể kể hết những vất vả mà một phụ nữ khuyết tật trẻ như chị phải trải qua để  thành lập công ty. Đây là một quyết định  táo bạo và  mạo hiểm, Phượng đã thực sự phải gồng mình lên để vượt qua mọi  khó khăn... Sau khi công ty được thành lập, ước mơ đã trở thành hiện thực nhưng nguồn vốn cạn, cửa vay hẹp dần, Phượng lại tìm gặp, thuyết phục anh em, bạn bè cho vay thêm vốn để đầu tư mua sắm phương tiện vận chuyển, xây dựng văn phòng giao dịch, mở rộng mạng lưới bán hàng. Đến nay, Nhà máy sản xuất nước khoáng Félicôté cho sản lượng 240 nghìn lít nước tinh khiết mỗi năm.

Nhà máy cách văn phòng công ty ở thành phố Thanh Hóa 34km, nhưng hằng ngày chị Phượng vẫn đến nhà máy để kiểm tra công việc, đôn đốc tiến độ sản xuất. Ngồi trên  xe lăn, chị Phượng tự tin điều hành, giải quyết suôn sẻ mọi công việc của công ty. Vất vả là thế, nhưng chị vẫn cười hài hước: "Không có ở công ty nào mà nhân viên "được bốc" giám đốc lên xuống xe 4 lần mỗi ngày như ở đây đâu!".

Khó khăn trong đi lại có lẽ cũng chẳng thấm tháp gì so với những thách thức mà doanh nghiệp phải đương đầu trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt. Bằng kinh nghiệm và bản lĩnh, chị Phượng vẫn luôn giữ vững thế mạnh của công ty, doanh số tiêu thụ hàng của Anton luôn vượt các đối thủ kinh doanh cùng lĩnh vực. Với phương châm chất lượng là hàng đầu, dịch vụ tốt, chăm sóc khách hàng tận tình, 90% trường học, công sở ở thành phố Thanh Hóa đã ký hợp đồng mua nước của công ty. Mạng lưới đại lý phân phối và sản phẩm nước tinh khiết của công ty đã vươn tới hầu hết các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Ngay từ khi ấp ủ dự định thành lập công ty, chị Phượng đã nung nấu quyết tâm tạo việc làm cho nhiều người đồng cảnh. Điều này lý giải vì sao, những ngày đầu công ty có 50 lao động thì người khuyết tật chiếm 1/3. Đến nay công ty đã phát triển với 200 người thì chiếm quá nửa là người khuyết tật, thu nhập bình quân của người lao động từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Chị Phượng cho biết: "Hầu hết người khuyết tật trước khi có việc làm tại công ty đều bi quan, tự ti vì sống phụ thuộc vào gia đình. Nay được tạo cơ hội làm việc, có thu nhập, họ rất tự hào vì hoàn toàn sống độc lập và còn hỗ trợ  cho gia đình".

36 tuổi, Nguyễn Thị Phượng vẫn chưa xây dựng gia đình. Với chị, công ty là "tổ ấm", niềm vui của chị là giúp cho nhiều người khuyết tật có việc làm, giúp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn vơi bớt thiệt thòi. Hằng năm, công ty dành khoảng 200 triệu đồng để trao học bổng cho học sinh nghèo, khuyết tật, mồ côi vượt khó, ủng hộ đồng bào bị bão lụt, giúp chỗ ăn ở, giúp tiền học phí cho sinh viên nghèo học đại học...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vượt lên bằng niềm tin và nghị lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.