(HNM) - Khi giới thiệu môn phái Nhất Nam tại Hà Nội vào năm 1983 hẳn võ sư Ngô Xuân Bính cũng có cái lý của mình. Cũng không hẳn vì lúc ấy ông đang theo học tại Hà Nội.
Có lẽ, ông chọn Hà Nội để quảng bá, khuếch trương môn võ thuần Việt đã ẩn bao đời trong dòng họ Ngô Xuân ở Vinh (Nghệ An) cũng vì đây là mảnh đất hội tụ những gì hay nhất, tinh túy nhất trong cả nước. Và cũng chỉ từ đây, môn võ Nhất Nam mới có thể lan tỏa ra khắp cả nước, đến với các quốc gia khác để thu hút cả những người nước ngoài muốn tìm hiểu về võ học Việt, văn hóa Việt.
Duyên nợ võ Việt
Dịp cuối năm vừa rồi, nếu ai đến CLB Nhất Nam ở Cung Văn hóa LĐ Hữu nghị Việt - Xô hoặc CLB S&B ở Làng quốc tế Thăng Long sẽ đều thích thú trước cảnh một anh chàng da trắng đẹp trai, đôi mắt sâu dễ làm xiêu lòng người khác giới, buộc tóc gọn gàng đi những bài quyền, thế võ một cách nhanh nhẹn, thuần thục, đẹp mắt và có hồn. Đến các thầy vốn khó tính trong môn phái khi thấy anh chàng này đi quyền cũng phải khen rằng độ nét trong từng động tác ăn đứt nhiều võ sinh Việt Nam. Anh chàng đẹp trai giỏi võ kia là Jean Philips, thợ làm bánh gatô tại Paris (Pháp), võ sinh Nhất Nam từ 5 năm nay.
Năm 1994, khi 13 tuổi, cậu bé Philips đã làm quen với võ Việt. Khi ấy cậu học võ của một người Việt sang định cư tại Pháp. Ông chỉ nói rằng đấy là võ cổ truyền Việt Nam và Philips cứ học. Học võ của sư phụ người Việt Nam kia một thời gian, Philips cũng chuyển sang tập một số phái võ khác trong đó có Vịnh Xuân và Wushu (Trung Quốc). Tuy vậy Philips vẫn quyết tìm hiểu đến nơi đến chốn về võ Việt nếu có dịp.
Cơ hội đến với Philips vào năm 2004. Năm ấy Philips được một nhà hàng Việt Nam mời sang Việt Nam làm bánh. Không chút ngần ngại Philips đồng ý ngay vì biết cơ hội được tìm hiểu về võ Việt ngay trên đất Việt Nam đã đến. Đến Hà Nội được vài ngày Philips đã hỏi dò những người xung quanh về võ cổ truyền Việt Nam. Có người biết về CLB võ Nhất Nam ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô của võ sư Trần Mạnh Hà đã giới thiệu cho Phipips. Lập tức anh chàng người Pháp lọ mọ tìm đến để theo học. Võ sư Trần Mạnh Hà nhớ lại: "Lúc thấy một anh chàng da trắng mũi lõ đến xin học võ mọi người trong CLB cứ nghĩ anh chàng chỉ tập cho biết rồi thôi. Ai dè, cậu ấy cứ tập đều đặn ngày này qua ngày khác, chẳng mấy khi nghỉ tập cho đến khi phải về nước".
Philips tập luyện cùng võ sư Trần Mạnh Hà |
Lúc đó là năm 2005, Philips đã tập Nhất Nam được 1 năm. Gia đình có việc nên Philips đành quay về Pháp. Một năm tập Nhất Nam cũng đủ để chàng trai mê võ Việt này không dứt được ra khỏi ý nghĩa phải tìm hiểu thật kỹ về môn phái mà mình đang theo tập. Cái sự uyển chuyển nhưng đầy mạnh mẽ trong các động tác của Nhất Nam khiến Philips, một người thiên về dùng sức như bao võ sinh châu Âu phát hiện ra một mảnh đất mới, có nhiều điều cần phải khám phá. Đến lúc ấy Philips mới thấm thía rằng không phải cứ có sức mạnh từ cánh tay, bàn chân là đủ mà phải biết huy động toàn bộ cơ thể để truyền lực vào cánh tay bàn chân. Và không phải cứ tập huỳnh huỵnh là có sức mạnh mà có thể tập từ từ nhưng hiệu quả lâu dài như quan niệm của võ Việt… Từng ấy điều đúc rút được khiến cái cảnh phải về Pháp mà không được theo tập Nhất Nam nữa với Philips cũng giống như người ăn món ngon mà vẫn thòm thèm. Thế là vào các năm 2006, 2007 Philips đều dành trọn 1 tháng trong các kỳ nghỉ để sang Việt Nam tập Nhất Nam. Thời gian đó bạn bè đi du lịch khắp nơi còn Philips đi tập võ, thỉnh thoảng đi một chuyến 2-3 ngày rồi quay về Hà Nội ngay.
Ước mong truyền bá võ Việt
Lần sang Việt Nam gần đây nhất vào cuối năm 2009, anh chàng lại tìm đến võ sư Trần Mạnh Hà. Tiền tiết kiệm được từ nghề làm bánh gatô không nhiều, lại phải để nuôi con nên sang Hà Nội, anh chàng tìm đến chỗ trọ, chỗ ăn rẻ nhất có thể. Thời gian qua lại Việt Nam đủ để Philips không bị người bán hàng "chặt đẹp". Suất bún chả: 15.000 đồng, cốc nước nhân trần: 2.000 đồng - Philips nắm chắc giá như lòng bàn tay. Tiết kiệm tiền đến mức tối đa, Philips cũng dành tiền thuê người phiên dịch để có thể giải đáp được hết những thắc mắc bấy lâu với võ sư Trần Mạnh Hà về Nhất Nam cũng như có tư liệu để viết bài đăng trên một tạp chí võ thuật của Pháp và xây dựng một trang web về Nhất Nam bằng tiếng Pháp. Giá thuê người phiên dịch không rẻ chút nào (25 ơrô, khoảng gần 1 triệu đồng/giờ) nhưng Philips vui vẻ chấp nhận. Philips rất tâm đắc vì không chỉ hiểu về Nhất Nam mà còn hiểu thêm về văn hóa, lối sống Việt, về cái sự trong nhu có cương, cái cách lấy yếu chống mạnh của người Việt Nam - thể hiện qua từng thế võ của môn này, được đúc rút qua bao thời chống giặc ngoại xâm có thể hình thể lực tốt hơn của người Việt Nam.
Ngày chia tay Hà Nội hồi đầu tháng 12, Philips đã hứa với thầy Trần Mạnh Hà sẽ cố gắng truyền bá Nhất Nam - môn võ mà nhiều người Pháp đã nói với Philips là uyển chuyển như múa ba lê nhưng có sức mạnh đáng kinh ngạc. Xây dựng trang web, dạy lại Nhất Nam cho những người Pháp khác. Và tất nhiên anh sẽ trở lại Hà Nội để tham gia biểu diễn Nhất Nam trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.