Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt “bẫy” thu nhập trung bình

Hương Ly - An Trân| 25/05/2012 06:41

(HNM) - Tại phiên thảo luận tổ ngày 24-5, ý kiến của các đại biểu QH đã phân tích kỹ những khiếm khuyết của Đề án Tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế. Mặc dù đề án được cho là chỉ đóng vai trò như một gợi ý quan trọng để QH tiếp tục hoàn thiện, song nhiều đại biểu đều đồng quan điểm: Cần cấp thiết TCC nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để đưa Việt Nam thoát khỏi "bẫy" thu nhập trung bình.

Vận chuyển thép tại Công ty CP Thép Việt Đức. Ảnh: Thanh Hải

Những khiếm khuyết cần chỉnh sửa

Bản đề án tổng thể TCC nền kinh tế của Chính phủ đã được trình QH ngay tại phiên khai mạc kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII, với mục tiêu 5 năm tới ưu tiên TCC thị trường tài chính, TCC đầu tư và TCC doanh nghiệp nhà nước. 12 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện TCC nền kinh tế cũng được nêu trong đề án, đồng thời chỉ ra những nét cơ bản nhằm triển khai đề án quan trọng này.

Nền kinh tế đang đứng trước bước ngoặt với tình trạng đầu tư công dàn trải, hàng ngàn dự án xây xong bỏ đó, làm một đồng tiêu phí 10 đồng, lãng phí cực kỳ nghiêm trọng. Vấn đề sử dụng tài nguyên quốc gia để phát triển kinh tế cũng chưa được đề cập trong Đề án TCC, chưa nhắc đến thực trạng đất nông nghiệp bị thu hẹp ngày càng nhiều; các tài nguyên như dầu thô, than, nước không được xem xét, đánh giá khi sử dụng. Đã đến lúc phải khởi tố, điều tra những dự án làm thất thoát tài sản của đất nước để lấy lại tiền nộp vào ngân sách nhà nước.

Đại biểu Đỗ Văn Đương
(Đoàn TP Hồ Chí Minh)

Tại phiên thảo luận tổ ngày 24-5, nhiều đại biểu QH cho rằng, bản đề án hướng tới mục tiêu quan trọng và bức thiết với nền kinh tế nước ta hiện nay, song còn quá sơ sài, cần chỉnh sửa trước khi trình QH. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đề án mới chỉ như một gợi ý hay. Để xây dựng đề án TCC, Ban soạn thảo phải xuất phát từ thực tiễn phát triển KT-XH của nước ta với những đặc thù về tài nguyên thiên nhiên cũng như những lợi thế kinh tế của Việt Nam như nông nghiệp phát triển, bờ biển đẹp, dân số đông tới 88 triệu dân… Việc xây dựng một bản quy hoạch tổng thể cho từng địa phương, từng ngành kinh tế, từng vùng kinh tế phải được thiết kế một cách cẩn trọng. Trong đó, phải hết sức cân nhắc cơ cấu của những ngành kinh tế mũi nhọn vì liên quan đến tổng vốn đầu tư sẽ rót vào ngành đó. Như ngành nông nghiệp, theo đề án chỉ chiếm 15% GDP nhưng năm 2011 lại đóng góp tới 22% GDP, nên cho phép điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp để "lái" thêm vốn vào lĩnh vực này, bởi tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp chậm nhưng chắc. Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, bản đề án còn mang tính chất "hô" khẩu hiệu và khó thực hiện. Trong khủng hoảng kinh tế hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang chiếm ưu thế, 70% dân số làm nông nghiệp nhưng được đầu tư ít, trong khi đề án lại thu hẹp diện tích nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, một đề án tiêu đến hàng nghìn tỷ đồng của người dân mà chỉ trình QH góp ý, cho ý kiến là không đúng. Đại biểu Quyền chia sẻ, "lúc đầu tôi rất hào hứng, nhưng tôi không thể "bấm nút" tán thành bởi đề án không đủ cơ sở dữ liệu, nếu bấm nút là thiếu trách nhiệm trước nhân dân…".

Dây chuyền sản xuất gạch Prime. Ảnh: Thanh Hải

Cần đo lường hiệu quả tái cơ cấu

Nhận xét về tính khả thi của Đề án TCC, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần có những chỉ tiêu định lượng để đo lường hiệu quả của TCC. Đơn cử TCC thị trường tài chính phải đặt những chỉ tiêu gì, sau khi thực hiện TCC thì số lượng ngân hàng còn lại bao nhiêu là hợp lý… 12 giải pháp trình bày tại đề án cũng chưa nêu được việc TCC từng ngành, từng vùng thông qua việc phân bổ nguồn lực liên quan đến phần vốn ngân sách. Việc ước tính chi phí cho tiến trình TCC nền kinh tế cũng cần được Chính phủ tính toán kỹ trước khi trình QH phê chuẩn.

Vấn đề nhân sự phục vụ triển khai đề án này cũng được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) góp ý. Khi chuyển đổi, việc bổ nhiệm lãnh đạo quản lý cấp cao không hề đơn giản bởi nhiều chức danh lãnh đạo thuộc nhiều ngành, địa phương, sau khi TCC, liệu có đáp ứng được vai trò mới, vị thế mới? Mặc dù chưa tán thành với nội dung của bản đề án, song đại biểu Trương Trọng Nghĩa lại cho rằng, nhiệm vụ TCC nền kinh tế là yêu cầu bức thiết phải thực hiện, nếu không, Việt Nam sẽ rơi vào "bẫy" thu nhập trung bình (đạt mức thu nhập trung bình trên 1.000 USD/người dân/năm, nhưng năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực ở mức thấp và bị mắc kẹt, không thể phát triển thêm). Nếu lần này Việt Nam không chuyển đổi được mô hình tăng trưởng thì sẽ không thể "cất cánh", thoát khỏi "bẫy" thu nhập trung bình, thậm chí có nguy cơ rơi xuống nước nghèo và ngập trong nợ công…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt “bẫy” thu nhập trung bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.