(HNM) - Nỗ lực vượt qua “bão dịch” Covid-19, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội dần cán đích mục tiêu tuyển sinh năm 2020. Qua đó vừa góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, vừa mở ra hướng phát triển mới cho giáo dục nghề nghiệp.
Những tín hiệu khởi sắc
Nhiều năm qua, đợt cao điểm tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng chính quy của các trường khối giáo dục nghề nghiệp thường tập trung vào thời gian sau khi các trường đại học khai giảng năm học mới. Điều này đồng nghĩa, một bộ phận không nhỏ thí sinh, phụ huynh coi việc học nghề là “phương án 2”, sau khi ước mơ bước vào “cổng trường đại học” không thành hiện thực. Năm nay, công tác tuyển sinh khối giáo dục nghề nghiệp có nhiều tín hiệu khởi sắc, khi các nhà trường tuyển sinh song song, thậm chí một số trường đã tổ chức nhập học cho thí sinh.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho biết, năm nay, nhà trường có nhiều thí sinh ứng tuyển đạt từ 18 điểm trở lên. Đáng mừng hơn, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng thí sinh đăng ký nhập học hệ trung cấp, cao đẳng của nhà trường dịp này là hơn 600 học sinh, sinh viên, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số học sinh, sinh viên đã tuyển sinh từ đầu năm đến nay lên hơn 1.500 người, cơ bản đạt kế hoạch đề ra.
Tương tự, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội đã tuyển sinh được hơn 800 chỉ tiêu, trong đó 254 chỉ tiêu hệ song bằng dành cho học sinh vừa tốt nghiệp trung học cơ sở học văn hóa song song với học nghề (hệ 9+). Nhiều trường cao đẳng khác cũng có số lượng tuyển sinh bằng hoặc cao hơn so với cùng thời điểm năm 2019.
Việc tuyển sinh ở nhiều trường trung cấp cũng có bước tiến khá ngoạn mục. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, Trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội đã tuyển đủ 750 học sinh, tăng khoảng 15% so với cả năm 2019. Trong đó, đối tượng khó tuyển sinh nhất là hệ 9+ chiếm đến 95% tổng số học sinh đang theo học tại cơ sở này. “Với số người đăng ký học nghề tăng, nhà trường đang đề nghị các cơ quan chức năng cho phép bổ sung chỉ tiêu, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội Nguyễn Văn Bằng thông tin.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, với sự nỗ lực, chủ động thích ứng của các trường nghề, đến nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh đạt 90% kế hoạch đề ra và chắc chắn sẽ vượt chỉ tiêu 156.000 người học nghề trong năm 2020. Kết quả này góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn Hà Nội ước đạt cuối năm nay là 70,2% (cuối năm 2019 là 67,5%), đồng thời mở ra hướng đi mới cho giáo dục nghề nghiệp. Đó là ứng dụng công nghệ số từ khâu tư vấn, tổ chức tuyển sinh, đến quá trình đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để bảo đảm việc làm cho người học.
Yên tâm học nghề
Ứng tuyển vào các trường nghề, thí sinh yên tâm theo học, bởi tất cả các trường đều cam kết bảo đảm việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
Nhập học tại Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội vào ngày 5-9, tân sinh viên Khoa Công nghệ ô tô Nguyễn Tiến Dũng (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, 3 môn đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học của tôi đạt 26,6 điểm. Với số điểm này, tôi có nhiều cơ hội trúng tuyển vào trường đại học, nhưng tôi đã quyết định đi học nghề”. Còn sinh viên Đồng Văn Minh (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) nói: “Tôi thấy học nghề mang lại nhiều cơ hội việc làm, nên quyết định theo học để sớm có thu nhập cho bản thân và gia đình”.
Ở góc độ phụ huynh, bà Nguyễn Thị Hoài An (thôn Phương Bảng, xã Song Phương, huyện Hoài Đức) cho hay: “Chứng kiến nhiều người thành công sau học nghề, năm nay, gia đình tôi cũng ủng hộ con trai đăng ký học tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội”.
Bà Trần Mỹ Hằng, cán bộ phụ trách công tác nhân sự, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Việt Trường Thành (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) đánh giá, hiện nhiều trường dạy nghề đã tích cực, chủ động đổi mới trong xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp, thực chất. Nhờ vậy, chất lượng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Đây cũng là cơ sở để học sinh yên tâm lựa chọn học nghề là con đường lập thân, lập nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng khẳng định, việc lựa chọn ứng tuyển vào các trường nghề của nhiều thí sinh là hướng đi đúng đắn. Trong những năm gần đây, gần 100% số người học nghề hệ trung cấp, cao đẳng đều tìm được việc làm. Đặc biệt, nhiều nhà trường đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần giúp hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.