(HNM) - 50 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Pháp lệnh Phòng cháy chữa cháy (PCCC), 10 năm Luật PCCC có hiệu lực, công tác PCCC trong cả nước có những bước tiến đáng kể, cả về trang thiết bị kỹ thuật và nghiệp vụ.
Đại tá Đỗ Văn Sơn, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC - Bộ CA cho biết, công tác quản lý nhà nước về PCCC bao trùm nhiều lĩnh vực, trong khi đó các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác. Chính vì vậy, khi thực hiện Luật PCCC còn những điểm "bất khả thi". Chẳng hạn, về yêu cầu PCCC đối với một công trình nhà ở, Luật PCCC đòi hỏi các công trình phải có khoảng lưu thông để dễ chữa cháy, chống cháy lan. Thực tế thì ở ta, Luật Xây dựng chưa có quy định cụ thể về khoảng lưu không này.
Tương tự, đối với yêu cầu của công tác PCCC, trong quy hoạch đô thị phải bảo đảm giao thông, nguồn nước, các công trình phục vụ chữa cháy, thoát nạn. Nhưng thực tế là những yếu tố này thường bị xem nhẹ, bỏ qua. Tại một quận tương đối "trẻ" của Hà Nội như Tây Hồ, nhiều đường sá được quy hoạch mới nhưng việc quy hoạch đô thị và khu dân cư chưa chú trọng đến nguồn nước phục vụ chữa cháy, thiếu bể nước chữa cháy. Ao hồ tự nhiên thì phần nhiều đã bị san lấp mà nếu còn cũng không có bến cho xe chữa cháy lấy nước.
Một điểm vướng nữa thuộc về chính người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp và người dân khi đa số có ý thức rất mơ hồ về hiểm họa cháy và thiệt hại do cháy, coi chữa cháy là việc của CA, không đầu tư về phương tiện và lực lượng cơ sở. Phần lớn người dân vì vậy không được trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC, thoát nạn. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy gây hậu quả kinh hoàng như vụ cháy xưởng sản xuất mũi giày ở xã Tân Dân (An Lão, Hải Phòng, ngày 29-7) làm 13 người chết, 25 người bị thương hay vụ cháy kho của Công ty Dệt Hà Nam (28-3) gây thiệt hại 136 tỷ đồng... Cơ quan CA cho biết, có đến 65% số vụ cháy là do ý thức chủ quan của con người. Điều đáng nói nữa là "điểm đen" về ý thức trong PCCC chỉ bị lộ diện và lên án khi hỏa hoạn đã xảy ra và để lại những hậu quả không thể bù đắp về người và tài sản...
Tuyên truyền là mũi nhọn
Từ trước khi Luật PCCC ra đời, năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 4-10 hằng năm là "Ngày toàn dân PCCC", thể hiện quan điểm huy động sức mạnh toàn dân và cả hệ thống chính trị để ngăn chặn "giặc lửa". Quan điểm này cũng đã được thể hiện rõ trong Luật PCCC. Tuy nhiên, việc hiểu và thực hiện đúng chủ trương đó còn có lúc, có nơi bị xem nhẹ. Mỗi khi xảy ra cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng, truy về nguồn gốc nguyên nhân, công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát lại bị "gọi tên"...
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát PCCC, nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan thông tin đại chúng đã bước đầu làm tốt công tác tuyên truyền về công tác PCCC. Song qua nhiều năm, bước chuyển chưa lớn. Cũng do chưa quán triệt và tuyên truyền sát sao, dù luật đã ra đời và có hiệu lực 10 năm, công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn mang tính hình thức. Nhiều vấn đề được quy định trong luật và các văn bản liên quan khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện đầy đủ. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật PCCC chưa thường xuyên liên tục, mang nặng tính thời vụ...
Chính vì vậy, khi chỉ thị về những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong công tác PCCC, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cơ quan đầu tiên phải vào cuộc là Bộ Thông tin và Truyền thông chứ không phải là cơ quan CA. Theo đó, công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu và các bộ, ngành, địa phương phải xác định đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Nhìn lại 10 năm thi hành luật, bài học kinh nghiệm lớn nhất là phải luôn coi trọng và đổi mới các hình thức tuyên truyền.
Ở các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị, doanh nghiệp, việc tuyên truyền phải đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát thực hiện luật, có xử lý nghiêm minh sai phạm. Ở địa bàn dân cư, công tác tuyên truyền phải bám sát cơ sở để qua đó xây dựng được phong trào quần chúng PCCC thật thực chất và hiệu quả. Việc tuyên truyền cần phải đạt mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC để mỗi người dân tự chủ động biết cách phòng cháy, thoát nạn và tham gia tích cực hoạt động PCCC.
Công tác PCCC quan trọng ở khâu phòng ngừa, nên ngoài việc hiện đại hóa, chính quy hóa lực lượng cảnh sát PCCC, nâng cao ý thức là việc tối quan trọng. 10 năm là chặng đường không ngắn để một bộ luật đi vào cuộc sống và có thể nói, Luật PCCC đã bước đầu góp phần vào việc điều chỉnh lĩnh vực này. Song, trước nhu cầu bức thiết của công tác PCCC, đòi hỏi về thực thi và tầm ảnh hưởng của luật phải lớn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được.
- Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 1.677 vụ cháy, làm chết và bị thương 254 người, thiệt hại về tài sản trị giá 419 tỷ đồng và 4.233ha rừng. Trong 10 năm, số vụ cháy lớn là 210 vụ, chiếm tỷ lệ 1,25%, song về thiệt hại là 2.023,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,3% số thiệt hại do cháy. - Toàn lực lượng cảnh sát PCCC có hơn 7.700 CBCS, trong đó có 5.169 sĩ quan nghiệp vụ, cán bộ được đào tạo có trình độ chuyên ngành PCCC; có 8 đơn vị cảnh sát PCCC cấp sở. 10 năm qua, ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động PCCC khoảng 2.330 tỷ đồng. Cả nước đã xây dựng mới được gần 7 nghìn đội dân phòng (hơn 90 nghìn đội viên) và hơn 5.600 đội PCCC cơ sở... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.