(HNMCT) - Đại Lý là thủ phủ của châu tự trị dân tộc Bạch tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nơi đây còn rất nhiều dấu tích của vương triều Đại Lý và cũng là phim trường của nhiều bộ phim cổ trang nổi tiếng như Thiên long bát bộ, Công chúa Đại Lý, Trà mã cổ đạo, Tứ đại danh bộ...
Sự hòa quyện của cảnh sắc, khí hậu và kiến trúc
Đại Lý được nhiều du khách biết đến bởi sự hòa quyện giữa cảnh sắc hữu tình, khí hậu mát mẻ cùng các công trình kiến trúc vượt thời gian, trong đó không thể không nhắc đến thành cổ Đại Lý được xây dựng năm 1382. Tường thành cao tới 7,6m, rộng 6m, chu vi 8km được thiết kế 4 cổng Đông, Tây, Nam, Bắc với vật liệu xây dựng chính là đá tảng. Thành cổ Đại Lý có một vị trí được đánh giá cao về mặt phong thủy: Lưng tựa vào dãy núi Thương Sơn, mặt trước hướng ra hồ Nhĩ Hải, bên cạnh là Tam tháp Đại Lý - một công trình kiến trúc cổ còn gần như nguyên vẹn.
Kết hợp với thành cổ, chính quyền đã xây dựng một phim trường rộng tới 700 mẫu, mô phỏng kiến trúc thời Tống, bao gồm đầy đủ vương phủ, đường phố, tửu lầu, nhà cửa, chùa chiền... Chính quyền nhiều năm nay đã không cho người dân xây dựng nhà mới trong khu thành cổ, vì vậy, thành cổ Đại Lý giống hệt một “vương quốc cổ trang” thu nhỏ. Du khách đến đây không chỉ để thưởng ngoạn phong cảnh, mà họ còn cảm thấy vô cùng thích thú khi được hòa mình vào bối cảnh của những bộ phim nổi tiếng, có cảm giác như chạm vào lịch sử.
Trong phim Thần điêu đại hiệp với các nhân vật Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông luận kiếm tại Hoa Sơn Luận Kiếm thì nhân vật Nam Đế chính là “chủ nhà” - Nam Đế tức Đoàn Hoàng Gia, hoàng đế của nước Đại Lý từ năm 1147 - 1171. Đến thăm nơi này, rất nhiều du khách đã dừng lại chụp ảnh với cây cầu nổi tiếng từng xuất hiện trong phim Thiên long bát bộ - bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kim Dung.
Hồi sinh sau dịch Covid-19
Do được thiên nhiên ưu đãi nên Đại Lý có khí hậu hết sức lý tưởng, thời tiết mát mẻ, nhiệt độ quanh năm dao động từ 15oC đến 25oC, vì vậy mà hoa nở tự nhiên rất nhiều. Người dân Đại Lý rất thích trồng hoa, và trồng ở mọi nơi trong nhà như cổng, ban công, cửa sổ, sân vườn, và dĩ nhiên là hoa có ở cả những nơi công cộng trong thành cổ. Đại Lý còn nổi tiếng với trà, một số loại trà trứ danh được biết đến như trà Mao Phong, trà Bỉ Lộ và trà Phổ Nhĩ. Ở vùng ngoại vi thành phố, những đồi trà bạt ngàn hiện lên như những thảm lụa khổng lồ. Trước đây, lễ hội hoa được tổ chức quanh năm, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách nhưng năm nay, lễ hội hoa mùa xuân và lễ hội lê vàng (tuyết lê) đã bị hoãn lại bởi dịch Covid-19.
Người dân Đại Lý sống chủ yếu dựa vào dịch vụ du lịch, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng du khách đến Trung Quốc nói chung và thành phố Đại Lý nói riêng giảm mạnh, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Chính vì vậy, khi đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, Trung Quốc nói chung và Đại Lý nói riêng đã bắt tay vào khôi phục sản xuất và kích cầu du lịch.
Tại khu phố Tây, các cửa hàng ăn đã được mở. Tuy chưa có sự sầm uất như trước đây nhưng cũng không còn cảnh vắng lặng, toàn bộ cửa hàng phải đóng cửa như thời điểm tháng 2 và tháng 3. Trước đây, nơi này là một trong những điểm tập trung đông du khách nhất ở Đại Lý. Mọi người thường đến đây để thưởng thức những món ăn vặt của người Bạch được bày bán ở những quán ăn có tầm nhìn hướng ra phố, để vừa thưởng thức vừa ngắm hoa trên cầu và đón luồng khí mát lạnh từ trên núi Thương Sơn thổi xuống. Ẩm thực tiêu biểu là các món bánh hoa hồng, lẩu sườn phơi khô, trứng luộc nước trà...
Du khách có thể tới Đại Lý quanh năm vì thời tiết mát mẻ ổn định, hoa nở bốn mùa nhưng đẹp nhất là vào mùa xuân - thời điểm của nhiều lễ hội hoa. Đại Lý cách thành phố Côn Minh khoảng 320km về phía tây, di chuyển bằng tàu lửa (ga Côn Minh) rất thuận tiện trong khoảng 6 giờ. Trong thành cổ Đại Lý rất ít xe cá nhân, du khách thoải mái đi bộ, ngắm hoa và uống trà tại bất kỳ đâu.
Điểm đến Đại Lý thường nằm trong các tour đưa khách tới Khu rừng đá Thạch Lâm, núi Ngọc Long Tuyết Sơn, đô thị cổ Lệ Giang... Giá tour trong 6 ngày 5 đêm dao động từ 14 - 18 triệu đồng/người, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều du khách Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.