(HNM) - Tại Việt Nam, kỹ thuật ghép tạng được triển khai từ năm 1992. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có tổng số hơn 600 ca được thực hiện. Lý do là có quá nhiều rào cản cả về luật pháp và vấn đề tâm lý, tâm linh của người Việt.
Nguồn hiến tạng ngày càng hiếm
Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đi đầu trong thực hiện ghép tạng. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện gần 400 ca, chiếm khoảng 2/3 tổng số ca trên toàn quốc. Những năm gần đây, nhu cầu bệnh nhân cần ghép tạng gia tăng, trong khi nguồn tạng được hiến tặng lại rất khan hiếm. Ba năm trước, một thanh niên bị tai nạn nặng đã đồng ý hiến thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy khi qua đời. Từ đó, bệnh viện tiến hành phẫu thuật ghép tạng, cứu sống NSƯT Minh Vương khi ông bị suy thận giai đoạn cuối. Tuy nhiên, đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy chưa nhận thêm nguồn tạng nào, trong khi hơn 200 bệnh nhân điều trị tại đây đang có nhu cầu để được phẫu thuật.
Nhiều bệnh nhân bị suy thận đang chờ được ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Bị suy thận, chị Đặng Thị Bích Nguyệt phải bỏ nghề giáo viên tại Bình Dương lên TP Hồ Chí Minh chữa bệnh. Nằm điều trị tại khoa Chạy thận nhân tạo - Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 1 năm nay, chị Nguyệt tâm sự: "Tôi phải chịu đau đớn cả thể xác và tâm hồn. Càng chữa trị mình càng tủi thân, khát khao hết bệnh để được đi làm trở lại. Nhưng bác sĩ bảo, tôi chỉ có thể được cứu sống nếu có người đồng ý hiến thận. Và tôi chờ đợi đã hơn 1 năm nay...".
Ước mong của chị Nguyệt, cũng là ước mong chung của hơn 16.000 người bị bệnh nặng cần ghép tạng, trong đó có nhiều em nhỏ đang tuổi đi học nhưng phải xem bệnh viện là nhà. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, ít nhất 63 em nhỏ phải nằm chờ ghép gan, hàng chục em cần ghép thận… Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai ghép tạng trẻ em, Bệnh viện Nhi Đồng 2 mới tiến hành phẫu thuật 14 ca ghép thận, 8 ca ghép gan. Bác sĩ Trương Quang Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: "80% người nhà từ chối ghép vì không có tiền và không có người cho tạng, một số ít trường hợp còn lại do bất đồng nhóm máu...".
Để vận động hiến mô, tạng nhân đạo, Bộ Y tế đã thành lập thêm đơn vị tiếp nhận hiến tạng nhân đạo thứ hai đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Chương trình vận động đăng ký hiến tạng khi chẳng may qua đời bắt đầu tại TP Hồ Chí Minh từ tháng 10-2014 đến nay và đã có khoảng 600 người tình nguyện đăng ký.
Cần cơ chế khuyến khích
Chi phí mỗi ca ghép tạng rất tốn kém. Năm 2014, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phải giải quyết cho 18 bệnh nhi được người nhà xin về vì hết tiền chạy thận và không lo nổi chi phí để ghép thận. Do đó, theo bác sĩ Trương Quốc Định, BHYT nên thanh toán cho người hiến tạng, có như vậy mới bảo đảm được việc chữa bệnh cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Nghiên cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy trên 3 nhóm bệnh nhân ghép thận thành công trong 10 năm qua cho thấy, việc ghép tạng vừa cứu sống bệnh nhân và tiết kiệm chi phí chữa bệnh hơn so với phương pháp chạy thận nhân tạo. Sau phẫu thuật, BHYT chỉ cần chi trả trung bình mỗi bệnh nhân ghép thận khoảng 1-3 triệu tiền thuốc mỗi tháng. Chi phí này nhỏ hơn rất nhiều với bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, vì BHYT phải trả cho bệnh nhân chạy thận trung bình 1 tháng khoảng 8-10 triệu đồng. Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Nếu BHYT thanh toán chi phí cho người hiến tạng thì sẽ khuyến khích phát triển ghép tạng. Chúng ta không những cứu sống bệnh nhân, họ đi làm trở lại, có thu nhập thay vì chạy thận nhân tạo đến cuối đời. Ngoài ra, điều trị bằng phương pháp ghép tạng góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước do tiết giảm chi trả BHYT".
Ngoài rào cản về quy định thanh toán của Luật BHYT, hiện nay Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 còn nhiều điểm không thuận lợi đối với hiến tạng nhân đạo. Điển hình, Luật không cho phép lấy tạng của người chẳng may qua đời khi họ dưới 18 tuổi. GS.BS Trần Đông A cho rằng: "Hiện nay, các ca ghép tạng cho trẻ em chủ yếu lấy nguồn từ người thân. Một em bé có 10kg, mà phải ghép thận nhận từ người mẹ 50kg thì rất khó thích hợp. Nếu có được nguồn tạng của người hiến dưới 18 tuổi thì kết quả điều trị thành công sẽ cao hơn".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.