(HNMCT) - Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ thành phố, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng phấn khởi.
Tại kỳ họp thứ ba HĐND TP khóa XIV các vị đại biểu HĐND TP đã quyết nghị thông qua các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ năm 2012 với những con số khá ấn tượng. Sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh, kinh tế duy trì tăng trưởng khá. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn là 10,13%, thu ngân sách vượt kế hoạch đạt 123.610 tỷ đồng. Lạm phát được kiềm chế, có xu hướng giảm dần, thị trường từng bước đi vào ổn định; an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; công tác quy hoạch, quản lý, xây dựng đô thị và nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt…
Để có được nhận định mang âm hưởng hào khí “rồng bay” sau một năm Thăng Long - Hà Nội tròn một ngàn năm tuổi quả là một nghị lực phi thường của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô văn hiến, anh hùng đã vượt qua biết bao chông gai, thử thách mà bước tới. Kết thúc năm 2010, Thủ đô của chúng ta cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức. Thủ đô Hà Nội trong vòng lốc xoáy đó, chịu mọi sự tác động tích cực, tiêu cực của không khí chính trị và kinh tế quốc tế, quốc gia; "trái tim của cả nước "đang đập chung nhịp đập thị trường đầy biến động của năm 2010 với bao khó khăn chất chồng. Những tháng ngày tiếp theo của năm 2011 dường như khó khăn càng tăng thêm lên, tác động tiêu cực của lạm phát không có chiều hướng giảm; bão giá tăng, hàng tiêu dùng, vật tư nguyên liệu, lương thực, thực phẩm… tăng vọt làm bát cơm của mọi người, nguồn lực của mỗi doanh nghiệp bị xẻ đi phân nửa. Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc trong bối cảnh dường như khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi.
Ngay từ đầu năm 2011, Đảng bộ, chính quyền Thủ đô tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ và chính quyền thành phố kiên trì, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 11-NQCP của Chính phủ và Thông báo kết luận số 02-TƯ của Bộ Chính trị về thực hiện mục tiêu, nhiệm vị trọng tâm là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ đô Hà Nội ngàn năm tuổi vào Xuân Nhâm Thìn ở thế Rồng bay. Tự hào, vinh dự, trách nhiệm của Thủ đô văn hiến, anh hùng, thành phố vì hòa bình, Hà Nội vinh dự được đồng bào ta giao trọng trách "là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia. Hà Nội với 7 triệu dân, GDP chiếm 14% cả nước, thu ngân sách chiếm 24% quốc gia, đã nói lên tỷ phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Hà Nội ngàn năm văn hiến đang trên con đường đổi mới, cùng với việc gìn giữ nét văn hóa kinh kỳ Thăng Long cổ kính, nét đẹp của người Tràng An thanh lịch đang trong quá trình đô thị hóa hiện đại mang tầm vóc sức vươn Phù Đổng. Hà Nội đang trong giai đoạn tự đổi mới mình, giữ nét đẹp văn hóa cổ sang trọng, thanh cao và xây dựng lâu đài kinh tế - đô thị xứng tầm Thủ đô đất Việt. Một loạt những mâu thuẫn đang là bài toán không dễ dàng gì có ngay lời giải thỏa đáng trong quá trình phát triển. Có người cho rằng, Hà Nội mang nét kinh tế Kẻ Chợ, phố Cổ, nhà nhỏ, ngõ hẹp nên ùn tắc giao thông, tắc đường là đặc trưng "rất Hà Nội". Nói vui, không kẹt xe, không tắc đường không phải là Hà Nội cổ kính! Chẳng rõ đó có là sự ngụy biện, vì yêu Hà Nội mà yêu cả cái khó, cái khổ, cái yếu kém của thành phố xanh mà đâu đã sạch, đi xe cơ giới mà luôn ở tốc độ công trường? Người đi xe cũng chẳng nhanh hơn đi bộ ở phố cổ là bao! Tắc đường, kẹt xe và tai nạn giao thông đã đến mức báo động đỏ! Hãy xem con số thống kê bình quân của cả nước trong 10 năm trở lại đây, mỗi tháng có hơn 1 ngàn vụ tai nạn giao thông (TNGT), tương đương gần 1 ngàn người chết, 1 ngàn người bị thương, thiệt hại tài sản hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Hàng ngàn người trong độ tuổi lao động bị thương tật vĩnh viễn suốt đời. Năm 2011, số vụ TNGT và số người chết có giảm nhưng số người bị thương, số vụ TNGT nghiêm trọng lại tăng, hàng trăm vụ ùn tắc giao thông kéo dài gây lãng phí thời gian, tiền của và bao hệ lụy. Thành phố Hà Nội có giảm về TNGT nhưng ùn tắc giao thông, kẹt xe thì như cơm bữa! Nhiều người cho rằng, TNGT và ùn tắc giao thông có thể coi như một tệ nạn cần tập trung chỉ đạo, cần có giải pháp nóng để giải quyết nhanh chóng căn bệnh này. Thành phố cũng có nhiều biện pháp để giải quyết cơ bản tình trạng mâu thuẫn giữa dân cư đông đúc và hạ tầng cơ sở giao thông yếu kém như chuyển nhà máy, trường đại học, khu nhà cao tầng… ra khỏi các quận nội thành; hạn chế nhập cư vào nội thành và đô thị lõi; thay đổi giờ học tập, làm việc, kinh doanh thương mại trên địa bàn; không khuyến khích mua sắm, sử dụng xe cơ giới tư nhân phân làn xe cơ giới ở một số tuyến đường, tăng chuyến xe buýt công cộng, phạt nặng lỗi vi phạm tham gia giao thông… Làm quyết liệt như vậy và xem ra thành phố có vẻ "nhờn thuốc". Trong 3 quý đầu năm 2011 có hơn 41.200 ô tô đăng ký mới đưa số ô tô của thành phố quản lý lên gần 100.000 chiếc chiếm 22% lượng ô tô cả nước. Tính trung bình mấy năm gần đây, số lượng phương tiện giao thông cá nhân gia tăng khoảng 15%. Đây thật là một con số đáng quan ngại!
Thủ đô mở rộng tăng 2 lần về dân số, tăng gấp 3,6 lần về diện tích là một lợi thế phát triển kinh tế tổng hợp với vùng tài nguyên rộng lớn về đất đai, núi đồi, sông suối, tạo thế cho Hà Nội mở rộng phát triển về phía Tây. Hơn 3 năm qua, Thủ đô mở rộng đang chuyển mình trên con đường đô thị hóa khá nhanh. Vùng núi Tản, sông Đà - Ba Vì và Hương Sơn hùng vĩ phát huy lợi thế du lịch sinh thái, tâm linh. Vùng đất đồi gò Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây đang hình thành các khu công nghiệp, công nghệ cao, khu các trường đại học và Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Vùng đất ven đô Hoài Đức, Đan Phượng mọc lên các khu dịch vụ, chung cư, nhà ở hướng tới các khu đô thị vệ tinh giảm tải chỗ ở cho nội thành. Vùng quê Thường Tín, Phú Xuyên đang hình thành đô thị, khu công nghiệp, khai thác thế mạnh đất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nhà nông năng suất, chất lượng cao, tạo thế phát triển vùng kinh tế trọng điểm dọc QL1 về phía Nam. Vui lắm, Thủ đô tăng nguồn nhân lực dồi dào, nét văn hóa đa sắc tộc đậm chất văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài và trấn Sơn Nam Thượng. Vui đấy mà lo đấy! Đô thị hóa kèm theo hiệu ứng người dân mất đất canh tác. Với họ, làm gì, sống ra sao khi trong tay không còn tư liệu: Đất đai, ruộng vườn… Vẫn biết câu ngạn ngữ "Ly nông không ly hương", thật tuyệt từ ý tưởng đến mục đích, người công nhân làm công ăn lương ngay trên quê hương mình. Mới nghĩ đến đã thấy ấm lòng rồi, chủ nghĩa xã hội sớm đến với các vùng nông thôn mới này đây. Thực ra, ý tưởng tốt đẹp và thực hành xây dựng vùng nông thôn đô thị không phải lúc nào cũng song hành. Hàng chục vạn, hàng triệu người nông dân, người làm nông nghiệp không có đất, không có việc làm. Hàng vạn người lại đổ xô ra thành phố làm thuê, đủ nghề, tạo ra hàng vạn cư dân tự do khó quản lý nhân khẩu, thêm ách tắc giao thông sáng sáng, chiều chiều. Năm qua, thành phố đã duyệt 1.720 dự án vay vốn từ quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho 138.000 lao động, đào tạo nghề cho 140.500 người; có 20.000 lao động nông thôn (?). Người dân nông thôn được chăm lo nhiều hơn về tinh thần, vật chất nên trong năm có 24.200 hộ thoát nghèo. Tuy vậy, hộ cận nghèo, hộ nghèo và tái nghèo vẫn như còn đó, sẵn sàng ập đến mỗi nhà khi thiên tai rình rập, làm ăn chẳng thuận buồm, mát mái cho lắm!
Hơn chục năm về trước, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích ăm ắp nước mát, xanh trong; cùng với sông Đà giữ nguồn than trắng, sông Hồng đỏ nặng phù sa đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa; là nguồn tài nguyên vô tận, "đẻ đất đẻ nước", nuôi sống các cư dân vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Bây giờ, dòng sông xanh - sạch - đẹp chỉ còn trong hoài niệm của tuổi thơ. Các dòng sông đã bị bức tử, nước sông ô nhiễm nặng nề; còn đâu nước sạch cho con cá, con tôm sinh sống. Nước sông đen đặc; chất thải công nghiệp, làng nghề, y tế, dân sinh đã tàn phá con sông yên bình, đe dọa sự sống bền vững của các vùng nông thôn, nông nghiệp và cư dân khu vực. Bà con làm ruộng phàn nàn: "Nước sông Nhuệ làm chết cả lúa, hoa màu thì người dân làm sao xây dựng thành công nông thôn mới". Trên địa bàn thành phố có 11 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 2.044ha; 54 cụm công nghiệp tổng diện tích 2.616ha, trong đó đến năm 2010 đã và đang xây dựng mới thêm 5 khu công nghiệp với diện tích 904,9ha; mở rộng 2 khu công nghiệp diện tích 112ha và đang xây dựng mới thêm 21 cụm công nghiệp với diện tích 726ha. Nhìn vào con số thống kê cho thấy, với 18 khu công nghiệp, 75 cụm công nghiệp sử dụng hơn 6.000ha đất đã và đang mang lại nhiều giá trị kinh tế, tạo đà tăng trưởng nhanh, giải quyết hàng vạn việc làm cho người lao động. Và cũng với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với các khu đô thị, nhà ở tương ứng được xây dựng mà thiếu sự quản lý chặt chẽ vệ sinh công nghiệp, môi trường thì con sông, đồng đất của chúng ta sẽ ra sao trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp, đô thị?
Xuân này, các vùng quê không chỉ vui vì cơm no, áo đẹp mà cuộc sống nông thôn đang ngày giờ thay da đổi thịt. Dù còn bao bộn bề của chuyện cơm áo hằng ngày nhưng bộ mặt thôn quê đã thật sự đổi thay trong phong trào xây dựng "nông thôn mới". Từ mô hình thí điểm ở Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, thành phố đã tổng kết và chỉ đạo ở 19 xã thí điểm; từ đó nhân rộng ra các huyện với 290 xã lập đề án tham gia. Huyện Phú Xuyên đã có 14 xã/144 xã toàn thành phố lập, duyệt đề án nhằm … các tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn. Ngoài nội lực từ cơ sở, Nhà nước quan tâm đầu tư, năm qua các doanh nghiệp ủng hộ 213 tỷ đồng góp phần vào phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới". Đây là nét mới đặc sắc mang tính cộng đồng xã hội cao của thành phố thực hiện "tam nông".
Năm 2012, năm thứ hai thực hiện nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang ra sức thi đua lao động sáng tạo, lập thành tích chào mừng 82 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2012), phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch ngay trong tháng đầu, quý đầu năm. Thủ đô Hà Nội phải "Đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức và nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, hài hóa với phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, làm động lực thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước". Đó là nội dung phương hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2015. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố thực hiện thật tốt 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá, các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể đang ngày ngày xây dựng Chương trình hành động, mục tiêu và chỉ tiêu phấn đấu thích hợp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012. Hơn nữa, nghiêm túc thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 và giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị về nhiệm vụ chính trị của thành phố: "Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tập trung xây dựng các công trình hạ tầng khung, phát triển đô thị bền vững; khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường. Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa giáo dục - đào tạo; khoa học, y tế; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường mở rộng hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô".
Năm mới, thế mới, lực mới, sức sống mới!
Nắng xuân, gió xuân ngập tràn đất trời!
Nhâm Thìn, vượng khí, sắc xuân!
Ngày đông - tháng Chạp
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.