Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Vườn ươm” tài năng trẻ

Minh Quang| 30/04/2013 10:03

(HNM) -Trưa nay (30-4), đoàn đua về đến TP Hồ Chí Minh, đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Ảnh minh họa


- Ông có thể đánh giá ngắn gọn về ý nghĩa của cuộc đua xe đạp xuyên Việt tranh Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh?

- Cuộc đua tranh Cúp Truyền hình không chỉ là thương hiệu của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, của làng xe đạp Việt Nam mà còn là nơi ươm mầm tài năng trẻ cho xe đạp thể thao Việt Nam. Giải đấu cũng đã trở thành hoạt động thể thao - văn hóa mang tính truyền thống, là ngày hội của người dân thành phố mang tên Bác nói riêng và cả nước nói chung.

- Đoàn đua trải qua lộ trình 1.913km xuyên Việt, chia thành 16 chặng thi đấu, công tác tổ chức có gặp khó khăn, thưa ông?

- Rất may là chúng tôi được sự tương trợ và giúp sức đắc lực của nhiều lãnh đạo, nơi các địa phương mà đoàn đua đi qua. Như tại Hà Nội, do quốc lộ 1 đang trong giai đoạn sửa chữa nên lộ trình chặng 2 Hà Nội - Thanh Hóa không thể thi đấu được. Được sự đồng ý của các ban, ngành, đoàn đua lần đầu tiên được phép thi đấu trên đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, giúp các tay đua có một chặng thi đấu rất suôn sẻ.

- Ở tuổi 25, ngoài việc giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho các tay đua Việt Nam, Cúp Truyền hình còn đem lại điều gì đối với người hâm mộ cả nước?

- Chúng tôi cố gắng giới thiệu sự phát triển của mỗi địa phương đoàn đua đi qua qua hình ảnh truyền hình. Như tại chặng đua vòng quanh thành phố Đà Nẵng, đoàn đua thi đấu trên hai chiếc cầu nổi tiếng là cầu Sông Hàn và cầu Rồng vừa mới khánh thành. Điểm nổi bật nhất của chặng này là chủ đề “Biển đảo quê hương” cũng được nhấn mạnh qua lăng kính truyền hình… Cũng tại giải, đoàn đua lần đầu tiên thi đấu trên hai cây cầu vượt Thủ Đức, ngã tư Hàng Xanh thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là hai công trình trọng điểm giúp TP Hồ Chí Minh tránh nạn ùn tắc giao thông, đồng thời giới thiệu về sự phát triển của thành phố mang tên Bác.

Nói chung, cuộc đua không đơn thuần là một cuộc đấu thể thao, nó còn là hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, quảng bá hình ảnh Việt Nam tại những điểm dừng chân cũng như suốt dọc hành trình.

- Theo ông, việc tay đua 17 tuổi Trần Thanh Điền (Bảo vệ thực vật Sài Gòn) vượt qua các đàn anh, xuất sắc chiếm giữ áo vàng có khiến ông bất ngờ?

- Tay đua Lê Văn Duẩn chiếm giữ áo xanh thì không lạ, nhưng tôi rất bất ngờ vì không nghĩ Trần Thanh Điền lại có thể vượt qua các tay đua kỳ cựu và những ứng viên sáng giá như Bùi Minh Thụy (áo vàng 2012), Hồ Văn Phúc (áo vàng 2011), Mai Nguyễn Hưng, Nguyễn Trường Tài… để giành áo vàng 2013. Mừng hơn hết là Điền mới 17 tuổi mà đã xuất thần đoạt áo vàng, Nguyễn Thành Tâm (Bảo vệ thực vật An Giang) giành áo đỏ chung cuộc khi mới 21 tuổi. Điều đó cho thấy xe đạp Việt Nam không thiếu tài năng trẻ. Chúng tôi đã phát hiện ra họ, còn việc phát triển các tài năng ấy trong tương lai như thế nào phụ thuộc vào Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam. Rất mong các tài năng ấy sẽ được nuôi dưỡng và ngày càng trưởng thành hơn.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vườn ươm” tài năng trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.