(HNM) - Năm 2005, một vườn tượng với gần 50 tác phẩm điêu khắc được tạo lập gần khu vực đền Ngọc Sơn đã mang đến cho hồ Hoàn Kiếm một không gian mỹ thuật đẹp, hoàn toàn mới mẻ.
Sự ra đời của vườn tượng là sáng kiến của nhà điêu khắc Trần Tuy (Hội Mỹ thuật Việt Nam), được UBND thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận, đầu tư cho các tác giả có tác phẩm trưng bày tại vườn tượng. Khu vườn tượng đã thu hút rất đông người dân và du khách. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, vườn tượng hồ Hoàn Kiếm đang dần trở nên hoang tàn, nhếch nhác với các bục bệ bị bong tróc, tượng gãy đổ, nằm lăn lóc trên thảm cỏ...
Vườn tượng giờ thảm hại thế này. |
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, dẫn con đến chơi vườn tượng, chị Nguyễn Thu Hằng (phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng) không khỏi lắc đầu buồn thay cho cảnh tượng của vườn tượng hồ Hoàn Kiếm hiện giờ. Từ gần 50 bức tượng được trưng bày lúc mới đầu, đến nay số lượng tác phẩm điêu khắc còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, "số phận" các bức tượng này cũng tiêu điều như chính cảnh tượng của vườn tượng. Hầu hết gạch ốp xung quanh các bục bệ đặt tượng đều bị bong tróc, vỡ rời. Các bức tượng, cái thì "rụng" hẳn xuống đất, cái thì vỡ trơ lõi sắt, cái thì còn bục bệ nhưng... mất tượng. Đặc biệt, tượng còn bị phủ đầy rêu xanh. Khu vườn tượng từng một thời là niềm tự hào của Thủ đô và của ngành mỹ thuật giờ trở nên nhếch nhác, hoang tàn và mất tính mỹ thuật trong mắt người dân và du khách.
Có lẽ, không chỉ các tác giả khi nhìn thấy tác phẩm của mình trở nên "tàn tạ" như vậy cảm thấy xót xa, mà không ít họa sỹ, nhà điêu khắc cũng bức xúc. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoang tàn của vườn tượng này được chỉ ra: Được trưng bày tại khu vực công cộng lại không được trông coi, bảo vệ; một số người dân thiếu ý thức bảo vệ của công, đập phá, vẽ bậy; do hết thời hạn "bảo hành" nhưng không được bảo dưỡng, cấp kinh phí tu bổ...
Thực tế, đúng là không dễ để tạo được những không gian nghệ thuật như thế này. Hà Nội cũng đang thiếu và cần lắm những không gian văn hóa như vậy. Tuy nhiên điều cần bàn ở đây là, nếu để tình trạng vườn tượng hoang tàn như thế này thì có nên tiếp tục để tồn tại hay cần thiết xóa bỏ không gian điêu khắc này? Quy chế tổ chức trại sáng tác điêu khắc (do Bộ VH-TT&DL ban hành ngày 30-12-2008) nêu rõ: "Khi hết thời hạn bảo hành, chủ đầu tư phải có kế hoạch, kinh phí tu bổ, bảo dưỡng hằng năm để bảo đảm chất lượng nghệ thuật luôn ở tình trạng tốt nhất". Như vậy, nếu tiếp tục duy trì thì phải có những "hành động" cụ thể để quản lý chất lượng vườn tượng, bằng không thì nên "dẹp" hẳn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.