(HNM) - Đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã và đang tác động rất lớn đến nền kinh tế nước ta. Tuy vậy, tin vui là kim ngạch xuất khẩu quý I-2020 vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019. Điểm sáng này sẽ là bàn đạp giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, để đạt được mức tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn, các nhóm hàng xuất khẩu của nước ta đã tận dụng rất tốt lợi thế so sánh trên thị trường thế giới. Trong đó, nhiều mặt hàng như điện thoại, hàng điện tử, máy tính, thủy sản, nhóm gỗ và sản phẩm gỗ… đã giữ được vị thế, thương hiệu ở những thị trường khó tính như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Trên bình diện chung, những tín hiệu tích cực từ lĩnh vực xuất khẩu đã khẳng định được tầm nhìn dài hạn trong định hướng thu hút đầu tư và khai thác triệt để các thế mạnh trong nước. Nói cách khác, việc cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã vừa thu hút đầu tư từ các tập đoàn quốc tế, vừa kết hợp phát triển các ngành hàng xuất khẩu trong nước một cách bài bản, đáp ứng yêu cầu hội nhập toàn cầu.
Cũng phải nói thêm, cùng với sự hỗ trợ liên tục từ các ngành, địa phương thì bản thân các doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội để xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã có biện pháp ứng phó kịp thời để vừa bảo đảm sức khỏe cho người lao động, vừa giữ ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Phát huy kết quả đã đạt được, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ nhịp độ tăng trưởng cho lĩnh vực xuất khẩu. Điều quan trọng trước tiên là các ngành chức năng, địa phương cần duy trì sự đồng hành liên tục để giúp doanh nghiệp xuất khẩu tháo gỡ ngay các vướng mắc (nếu có), duy trì sản xuất, đáp ứng đầy đủ những đơn hàng đã ký kết. Mặt khác, đẩy mạnh việc tìm hiểu, kết nối để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng thế mạnh của nước ta.
Cùng với đó là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế trên thế giới đầu tư hoặc mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Nhiệm vụ đặt ra là cần đánh giá tình hình thực tế hiện nay để tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đầu tư. Trong đó, việc quan trọng là thực hiện đầy đủ các cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành; kết nối cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến…
Bên cạnh giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, việc vượt lên trên những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng thời cũng mở ra những cơ hội mới. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị tâm thế thật tốt để thích ứng và tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Song song đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nâng cao năng lực phòng vệ thương mại nhằm tự bảo vệ trên thị trường nội địa và mở rộng thị phần ở thị trường nước ngoài. Quan tâm liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng với tư duy toàn cầu về nhân lực, các tiêu chuẩn sản xuất, sản phẩm, phương thức phân phối để đầu tư công nghệ, quản lý sản xuất, phát triển năng lực khai thác thị trường tốt hơn...
Vững vàng tâm thế, chuẩn bị bài bản để khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội, tin rằng lĩnh vực xuất khẩu sẽ tiếp tục đạt được kết quả tích cực, góp phần vào tăng trưởng của cả nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.