(HNM) - Trước kia, Liên Châu được biết đến là xã vùng trũng thuần nông đầy khó khăn của huyện Thanh Oai. Bao đời, người nông dân cần cù, vất vả bám đồng ruộng nhưng cái nghèo không dứt. Hôm nay, Liên Châu vẫn là vùng trũng nhưng trù phú hơn xưa nhờ người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều trang trại hoạt động hiệu quả. Thành quả này góp phần để Liên Châu trở thành một trong những xã sớm đạt nông thôn mới nâng cao và đang trên lộ trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu...
Những “đại gia“ chăn nuôi
Xã Liên Châu ở trong ký ức của nhiều người Thanh Oai là những cánh đồng lúa gập ghềnh lên xuống, những ruộng lúa luôn thấp hơn các vùng lân cận, mùa mưa thì ngập úng nên trồng lúa truyền thống cũng theo đó bị bấp bênh. Dẫu mỗi năm 2 vụ lúa, 2 vụ rau màu cùng với sự cần cù của người dân nơi đây, nhưng may mắn cũng chỉ đủ ăn chứ khấm khá, vươn lên làm giàu thì thực sự rất khó.
Vậy nhưng, những năm gần đây mảnh đất này không ngừng thay da đổi thịt. Trong một khu trang trại ngăn nắp, từ khu chuồng nuôi, khu nhà kho đến những vườn nuôi cá, trồng cây ăn quả xen canh, chúng tôi gặp ông chủ trang trại Đào Quang Vỹ, thôn Châu Mai, xã Liên Châu. Ông Đào Quang Vỹ kể về hành trình hơn 10 năm chuyển từ trồng lúa sang chăn nuôi gà và xây dựng một cơ ngơi khang trang như hiện nay.
Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên trang trại với máy móc hiện đại, khu chăn nuôi khép kín sạch sẽ, ông Đào Quang Vỹ phấn khởi nói: “Xưa, Liên Châu là vùng trũng nhất huyện, hễ mưa là ngập, thì nay đã biến thành "vương quốc trứng gà, trứng vịt” của huyện. Trang trại của tôi hiện chăn nuôi 20.000 con gà đẻ, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường 18.000 quả trứng thương phẩm. Nhờ chăn nuôi phát triển, doanh thu ổn định nên đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt”.
Nói về hành trình đến với chăn nuôi gà ấp trứng, ông Vỹ cho hay, trước đây, người dân Liên Châu vốn chỉ độc canh cây lúa, cây rau. Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp luôn bị phụ thuộc bởi thời tiết, cứ mùa mưa là ngập úng, chẳng thể gieo trồng được. Vì vậy, đời sống người dân rất khó khăn. Bước ngoặt của Liên Châu chính là chương trình dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từ đó vùng trũng Liên Châu đã trở thành vùng nuôi trồng trọng điểm của huyện Thanh Oai...
Một trang trại khác cách đó không xa cũng trong thôn Châu Mai là trang trại của gia đình bà Quách Thị Yến. Sinh ra, lớn lên ở vùng đất trũng Liên Châu, bà Yến thấm thía nỗi vất vả, nhọc nhằn của nông dân thuần nông. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giờ đây không chỉ gia đình bà Yến mà nhiều hộ gia đình trong xã Liên Châu đã vươn lên sung túc nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp ấp trứng gà, vịt.
“Những hộ chăn nuôi ở Liên Châu chúng tôi vẫn bảo nhau, cái vùng vốn úng ngập quanh năm cũng có ngày hồi sinh, cho quả ngọt. Không phụ công người, trên chính mảnh ruộng vốn úng ngập đó, người dân đang kiếm được vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi tháng. Như trang trại của tôi, trung bình mỗi ngày bán ra thị trường hơn 10.000 quả trứng gà, vịt, trong đó có 30 mối bán lẻ ở khu vực nội thành Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận, đem lại nguồn thu nhập cao", bà Yến chia sẻ.
Tiếp nối câu chuyện, Chủ tịch UBND xã Liên Châu Nguyễn Thanh Bình hồ hởi nói: “Một héc ta lúa canh tác cả năm, làm việc cật lực cũng chỉ thu nhập khoảng 80 triệu đồng, nếu trồng lúa đặc sản, lúa hữu cơ cũng chỉ được hơn 100 triệu đồng. Còn một héc ta trang trại chăn nuôi gà, vịt, cây ăn quả, nuôi ấp trứng ở Liên Châu đã và đang cho thu nhập cao gấp 5-6 lần”.
Rời khu trang trại chăn nuôi, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Liên Châu Nguyễn Thanh Bình dẫn đi thăm những con đường nối dài thôn, xóm; những tuyến đường nội đồng được bê tông hóa rộng rãi. Say sưa với thành quả về sự chuyển mình ở vùng đất nơi đây, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Toàn xã hiện có gần 200 trang trại chăn nuôi ấp trứng gà, vịt. Hầu hết các trang trại đều đầu tư máy móc hiện đại, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm”.
Sự chuyển đổi vùng đất Liên Châu đã giúp làng quê nơi đây có thương hiệu, có nghề để làm giàu. Năm 2017, sản phẩm trứng vịt Châu Mai đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể. Năm 2020, sản phẩm trứng vịt của một số hộ được UBND thành phố chứng nhận sản phẩm 3 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2022, có thêm 2 sản phẩm là trứng gà đỏ và trứng gà trắng của địa phương được chứng nhận OCOP 3 sao. Hiện tại, UBND xã đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện thẩm định, đề nghị thành phố công nhận làng trứng Châu Mai là làng nghề truyền thống. Những bước chuyển mình đó đang giúp Liên Châu ngày một giàu có, khang trang.
Nông thôn chuyển mình
Không chỉ giỏi làm kinh tế, người dân Liên Châu còn đồng lòng xây dựng quê hương, biến vùng đất trũng nghèo khó thành vùng quê trù phú với không gian xanh, một vùng quê đáng sống.
Những tuyến đường bê tông phong quang, sạch sẽ nối từ trung tâm xã Liên Châu đến các thôn, xóm được tô điểm bởi những luống hoa hai ven đường. Đặc biệt, 100% tuyến trục chính, đường liên thôn của Liên Châu đều được đổ bê tông, trải nhựa. Hầu hết đường làng, ngõ xóm có điện chiếu sáng. Cùng với đó, các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cũng được đầu tư xây dựng, cải tạo kiên cố, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, đi lại, giao thương của người dân địa phương...
Bà Nguyễn Thị Lan, người dân thôn Châu Mai bày tỏ, nhờ đường lối đúng đắn của Đảng, nhân dân đồng thuận, giờ đây, người dân đã xây dựng được một miền quê đáng sống, hưởng thụ chính cuộc sống do dân từng ngày nỗ lực vun đắp, gây dựng.
Chính những quyết tâm trong chuyển đổi sản xuất, sự đồng thuận, đồng lòng trong xây dựng làng quê mà từ một xã khó khăn của huyện, Liên Châu đã nhanh chóng "cán đích" xã nông thôn mới nâng cao năm 2022. “Tính riêng giai đoạn 2021-2022, tổng kinh phí thực hiện nông thôn mới nâng cao của xã là hơn 88,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện 16,1 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 61,7 tỷ đồng, người dân đóng góp 11 tỷ đồng. Thành quả này là nền tảng vững chắc để Liên Châu tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh”, Chủ tịch UBND xã Liên Châu Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Đánh giá về xã Liên Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển chẳng giấu được niềm vui: “Đây là vùng quê của trứng gà, trứng vịt có tiếng của Thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung”. Chia sẻ thêm về “kế hoạch” ở vùng đất trũng Liên Châu, ông Nguyễn Trọng Khiển cho hay, huyện sẽ tập trung đầu tư phát triển hơn nữa hệ thống giao thông, xây dựng làng nghề và các điểm giới thiệu làng nghề, giới thiệu sản phẩm gắn với du lịch sinh thái. Ngoài ra, huyện sẽ hỗ trợ các trang trại chăn nuôi ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị cao gắn với bảo vệ môi trường để Liên Châu trở thành hành trình đến trong chuỗi du lịch sinh thái của huyện.
Đi dọc các con đường nông thôn của xã Liên Châu vào cuối ngày, những chiếc xe tải lớn nhỏ, những chiếc xe máy nối nhau tấp nập ra - vào mới thấy sự vươn mình mạnh mẽ của một vùng đất trũng Liên Châu với sức sống mới mang theo khát vọng làm giàu từ mảnh đất quê hương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.