(HNM) - Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống người dân. 10 năm qua, cùng với sự phát triển của Thủ đô, các huyện vùng xa, vùng miền núi trên địa bàn thành phố đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, đời sống của người dân được nâng cao, số hộ nghèo giảm rõ rệt.
(HNM) - Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống người dân. 10 năm qua, cùng với sự phát triển của Thủ đô, các huyện vùng xa, vùng miền núi trên địa bàn thành phố đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, đời sống của người dân được nâng cao, số hộ nghèo giảm rõ rệt.
Hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, để nâng cao đời sống cho người dân ở các xã vùng khó khăn, huyện đã chỉ đạo ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình cho năng suất, chất lượng cao như: Trồng hoa ly, hoa đồng tiền ở xã Đại Đồng, Yên Bình; vùng sản xuất rau an toàn ở xã Hương Ngải, Bình Yên, Yên Bình... quy mô mỗi xã từ 3 đến 10ha, cho thu nhập 333-445 triệu đồng/ha/năm.
Chăm sóc rau hữu cơ tại một trang trại thuộc xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Ảnh: Bá Hoạt |
Ngoài ra, huyện đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại các xã: Yên Bình, Tiến Xuân, Yên Trung, Kim Quan theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, ở 3 xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, huyện đã duy trì và phát triển kinh tế rừng hằng năm với tổng diện tích 2.580ha, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Chị Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên cho biết, hiện nay, trang trại đầu tư 1.000 lợn nái tại xã Yên Bình, mỗi năm cung cấp cho thị trường 10.000 lợn giống và lợn thương phẩm cùng sản phẩm rau hữu cơ. Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại Hoa Viên còn tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng...
Tương tự, với Mê Linh, 10 năm qua, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu mang đậm nét riêng của huyện.
Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang chia sẻ: Cách đây 10 năm, người dân trên địa bàn huyện chỉ đơn thuần trồng rau, hoa quy mô nhỏ lẻ. Nhờ sự giúp đỡ của thành phố, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng. Đến nay đã có nhiều mô hình như: Rau an toàn ở xã Tráng Việt với diện tích 200ha; 1.400ha trồng hoa ở các xã: Văn Khê, Mê Linh. Hiện huyện Mê Linh cung cấp khoảng 20% sản lượng hoa tươi cho thị trường Hà Nội, thu nhập từ trồng hoa đạt 450-650 triệu đồng/ha, cao gấp 10 lần so với trồng lúa.
Chứng kiến sự đổi thay của quê hương sau 10 năm, Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái phấn khởi: "Trước đây, người dân chỉ biết trồng hoa hồng cắt cành, nhưng với kinh nghiệm và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hiện toàn xã có khoảng 11ha trồng hoa hồng thế; nhiều hộ còn phát triển diện tích trồng hoa sang huyện Đông Anh và Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai). Hoa hồng thế đã tạo hiệu quả kinh tế cho người dân với giá trị 2-2,2 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 5-6 lần so với trồng hoa hồng cắt cành".
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần
Nhờ phát triển kinh tế - xã hội, từ những xã nhiều khó khăn, đến nay đời sống người dân được nâng cao; đồng thời gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Trưởng phòng Lao động và Thương binh - Xã hội huyện Thạch Thất Nguyễn Hoàng Anh cho biết, 10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 9,71% (năm 2007) xuống còn 1,18% (năm 2017). Điển hình trong công tác giảm nghèo là 3 xã: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Năm 2008, 3 xã này có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, đến nay đã giảm mạnh. Cụ thể, xã Yên Bình thu nhập bình quân năm 2017 đạt 42 triệu đồng/người, gấp 5 lần so với năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14% năm 2007 xuống còn 2,06% năm 2017; tương tự xã Tiến Xuân đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,31%; xã Yên Trung, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14% năm 2007 xuống còn 1,9% năm 2017...
Đời sống vật chất được nâng lên đã góp phần nâng cao nhận thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong nhân dân. Để bảo tồn các giá trị văn hóa, huyện Thạch Thất đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn các di tích văn hóa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, phát triển cồng chiêng ở 3 xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Ngoài ra, các lễ hội truyền thống gắn với di tích tại các xã được bảo tồn và phát huy, làm phong phú giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của quê hương Thạch Thất.
"Sau 10 năm về với Thủ đô, người dân được tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, có thu nhập cao. Khi đời sống đầy đủ, người dân càng có ý thức trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống làm cho cuộc sống càng trở nên có ý nghĩa hơn" - ông Nguyễn Văn Thơm (xã Tiến Xuân) phấn khởi chia sẻ...
Theo Trưởng phòng Lao động và Thương binh - Xã hội huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám, trong 10 năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai tích cực, huyện thường xuyên quan tâm, chăm lo đối tượng hộ nghèo, có nhiều biện pháp giúp đỡ hộ nghèo, như: Dạy nghề, hỗ trợ vay vốn sản xuất, chăn nuôi... Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt: Năm 2017, đạt 35,4 triệu đồng, gấp 3,2 lần so với năm 2008, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, đời sống nâng cao, người dân có điều kiện quan tâm đến lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, tạo môi trường văn hóa phong phú, đẩy lùi tệ nạn xã hội và hủ tục; tạo khí thế thi đua lao động sản xuất.
"Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử gắn với tâm linh, tín ngưỡng; tập trung tuyên truyền, quảng bá di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, khu Đồi 79 Mùa xuân, Nhà máy in Tiến Bộ và các di tích cách mạng trên địa bàn huyện tới nhân dân cả nước và du khách nước ngoài... nhằm tạo nền tảng tốt nhất để cán bộ, nhân dân trên địa bàn tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh..." - ông Đoàn Văn Trọng khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.