Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vùng động lực phát triển của cả nước

Chí Kiên| 20/02/2023 06:57

(HNM) - Đồng bằng sông Hồng hiện là khu vực phát triển hàng đầu của cả nước. Với nền tảng sẵn có cùng những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, Đồng bằng sông Hồng đã, đang thể hiện rõ vai trò là vùng động lực phát triển của đất nước.

Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố, chiếm 6,42% diện tích cả nước; dân số 23,22 triệu người. Đây là địa bàn chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; là cầu nối quan trọng trong giao lưu quốc tế. Đặc biệt, Đồng bằng sông Hồng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc với nền văn minh sông Hồng - đặc trưng của văn minh lúa nước. Trong vùng có thành phố Hà Nội, là hạt nhân phát triển vùng, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của cả nước; là Thủ đô văn hiến, anh hùng có bề dày phát triển hàng nghìn năm.

Tận dụng những lợi thế đó, trong nhiều năm qua, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã có những đóng góp rất lớn đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quy mô kinh tế năm 2020 chiếm 29,4% GDP cả nước (đứng thứ 2, sau Vùng Đông Nam Bộ). Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng khá nhanh. Đến năm 2020, đứng thứ 2 trong các vùng kinh tế (chiếm khoảng 31,4% tổng vốn FDI cả nước). Trong đó, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh luôn thuộc nhóm 10 địa phương có tổng số vốn FDI dẫn đầu…

Tuy đạt được những kết quả rất khả quan, nhưng xét tổng thể, kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Hồng tăng trưởng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng. Trong vùng, các địa phương phát triển chưa đồng đều; cơ cấu thu ngân sách nhà nước ở một số địa phương chưa bền vững, còn phụ thuộc vào một số ngành nhất định. Đáng nói, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, như: Hạ tầng giao thông thiếu kết nối; hạ tầng du lịch còn yếu. Hệ thống đô thị phát triển chưa đồng bộ; thiếu liên kết giữa các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp và khu vực nông thôn… Trước những yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí và tiềm năng, thế mạnh của vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây thực sự là “kim chỉ nam” cho toàn vùng nói chung và cho từng địa phương trong khu vực nói riêng vươn lên một cách toàn diện và bền vững.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động với mục tiêu tổng thể, xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Đặc biệt, xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Với mục tiêu bao trùm này, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững”, tổ chức ngày 12-2 ở thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm: “Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước”.

Như vậy, vai trò động lực phát triển và định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế là rất quan trọng đối với Đồng bằng sông Hồng. Hiện thực hóa nhiệm vụ này, các địa phương trong vùng phải nắm bắt thời cơ, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực cả công và tư; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao đời sống người dân. Quá trình này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương phải xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và làm tốt trách nhiệm giải trình. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi công vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, tất cả hướng đến một mục tiêu vì dân, vì nước.

Chặng đường phía trước có rất nhiều thời cơ, thuận lợi mới song cũng còn không ít thách thức. Vì thế, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng cần xác định rõ lộ trình, bước đi phù hợp, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, tự lực, tự cường đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại; từ đó đưa Đồng bằng sông Hồng là vùng động lực phát triển hàng đầu, vươn lên giàu mạnh cùng cả nước, vì cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng động lực phát triển của cả nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.