(HNM) - Có thể nói, những kiến nghị của cử tri luôn là những vấn đề thiết thực, liên quan mật thiết đến đời sống của người dân. Do đó, tập trung giải quyết những kiến nghị của cử tri cũng là một giải pháp để đáp ứng nguyện vọng chính đáng, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Thực tế, những kiến nghị của cử tri thường liên quan đến những khó khăn, vướng mắc ở các lĩnh vực nổi cộm như đất đai, xây dựng, đô thị..., vì giữa cơ chế, chính sách với thực tiễn triển khai vẫn bộc lộ những bất cập nhất định. Trong đó, nhiều vấn đề động chạm đến quyền lợi của số đông cộng đồng như: Nguồn lực đầu tư hạ tầng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; việc xây dựng lại chung cư cũ; xây dựng công trình thiết yếu trong các khu đô thị mới...
Dù là những vấn đề khó, có phạm vi rộng trong khi phải liên tiếp đối diện với những trở ngại lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song HĐND, UBND các cấp trong thời gian qua đã trách nhiệm, nỗ lực tập trung để xem xét, giải quyết hiệu quả các kiến nghị. Qua đó, nhiều vấn đề đã tìm được định hướng giải quyết với tính khả thi cao. Ví như, thành phố sẽ cho phép cấp huyện sử dụng 100% nguồn thu từ giao đất các dự án để đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hay việc UBND thành phố thống nhất chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mới khi doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, trường học... ở các dự án trước đó...
Cũng từ việc giải quyết những vấn đề cụ thể, cơ quan chức năng có thêm cơ sở quan trọng hoàn thiện công tác quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, giải quyết kiến nghị của cử tri đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của mỗi đại biểu HĐND cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan, để mọi kiến nghị, thắc mắc đều phải được trả lời rõ ràng, giải quyết thấu đáo. Việc chính quyền các cấp cũng như cơ quan, đơn vị liên quan trả lời, giải quyết dứt điểm cũng sẽ kéo giảm được tình trạng đơn thư lặp lại, kéo dài, giúp ổn định tình hình xã hội.
Với những vấn đề chưa có câu trả lời được ngay, HĐND và các cấp chính quyền cần tăng cường phối hợp rà soát, tập trung xem xét hướng xử lý. Trong đó, cơ quan có trách nhiệm giải quyết phải giải thích cụ thể để người dân hiểu, đồng thời nói rõ giải pháp khắc phục trước mắt cũng như tiến độ giải quyết của các đơn vị liên quan... Trong quá trình giải quyết, các đề xuất của cử tri cần được nhìn nhận khách quan, nếu hợp lý phải được tiếp thu nghiêm túc.
Đáng lưu ý, từ 1-7-2021, thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội, các phường sẽ không tổ chức HĐND, do đó, HĐND các quận và thị xã Sơn Tây phải đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, nhất là với công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, để bảo đảm mọi kiến nghị của cử tri đều được giải quyết theo đúng luật định.
Rõ trách nhiệm, giải pháp, lộ trình sẽ góp phần tạo sự minh bạch, nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri. Kỳ họp thứ hai HĐND thành phố khóa XVI sẽ được tổ chức khi Hà Nội kiểm soát được dịch Covid-19, vì thế, các cơ quan chức năng cần tranh thủ thời gian, tiếp tục khẩn trương xử lý, giải quyết các kiến nghị của cử tri, để kỳ họp diễn ra thành công, xứng đáng với kỳ vọng và tiếp tục vun đắp niềm tin của các tầng lớp nhân dân với hệ thống chính trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.