Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui mùa Xuân mới

Nhóm phóng viên| 28/01/2020 06:34

(HNM) - Một mùa xuân mới đã về với Thăng Long - Hà Nội văn hiến ngàn đời, với dải đất hình chữ S bên bờ Biển Đông thân yêu của chúng ta. Khắp nơi cùng vui đón một mùa xuân với những dự cảm đặc biệt trong phơi phới niềm tin từ đáy tim mỗi con Lạc, cháu Hồng về tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam ta…

Người dân Thủ đô vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 bên hồ Hoàn Kiếm.   Ảnh: Nhật Nam

Xuân về rộn ràng trong phố

Cơn mưa lớn bất chợt đến trong chiều 30 Tết mà như nhiều người Hà Nội nói, nhiều năm rồi mới thấy có một trận mưa rào như vậy. Mưa lạnh, gió mạnh cản bước nhiều người ra phố. Những quán nhỏ bên phố nhỏ Hàng Buồm, Tạ Hiện, Hàng Giầy, Nhà Thờ… vốn là điểm hẹn của du khách và những người yêu Hà Nội vắng hơn so với những năm trước. Nhưng trời đất như chiều lòng người, gần tới giao thừa, mưa ngớt dần, người Hà Nội và du khách kéo nhau ra phố.

Xuân Canh Tý 2020, thành phố có nhiều điểm bắn pháo hoa tầm cao, nhưng với nhiều người Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm có một sức hấp dẫn riêng. Ông Hoàng Minh Quang người gốc Hà Nội, lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Với tôi, hồ Hoàn Kiếm là một không gian đặc biệt, không gian của văn hóa, không gian của ký ức, đón giao thừa, xem pháo hoa ở đây mỗi năm một khác, có cảm giác vừa quen, vừa lạ…”. Giao thừa, những màn pháo hoa rực sáng bầu trời cùng khí xuân thịnh vượng.

Sáng mùng 1 Tết, sau những cơn mưa lớn ngắt quãng, thành phố vào xuân với không gian khác lạ, tĩnh lặng, trong lành, phố phường đẹp đến ngỡ ngàng. Phố Hà Nội sáng mùng 1 Tết đã trở thành “đặc sản” và với nhiều người, đây là thời điểm dạo phố tuyệt vời nhất trong năm. Chị Ngọc Trâm ở phố Thái Thịnh (quận Đống Đa) bộc bạch: “Tôi thường rủ bạn bè ra phố từ sớm, Hà Nội thời khắc này lạ và đẹp hơn. Chơi phố đón xuân và đi lễ đầu năm làm cho con người ta thư thái hơn…”. Đầu năm lên chùa cầu phúc, cầu an cũng là một nét đẹp truyền thống của người Việt. Chùa Quán Sứ, Phúc Khánh,… ấm áp khói hương, chật người đi lễ.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám nơi chứa đựng hồn cốt của đạo học nước nhà tấp nập du khách quốc tế, nhưng nhiều hơn là những người đưa con cái đến với mong ước con trẻ học hành tấn tới. Bên Hồ Văn, ngoài triển lãm thư pháp còn có nhiều hoạt động giao lưu, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật truyền thống, các không gian trải nghiệm ẩm thực và trò chơi dân gian ngày Tết. Những ông đồ chầm chậm đưa bút và giảng chuyện chữ nghĩa cho những người trẻ. Bên ấm trà, Lê Quốc Việt - một thư pháp gia có tiếng cùng bạn bè bàn chuyện văn chương, chữ nghĩa… Với Lê Quốc Việt, việc viết chữ, cho chữ ngày xuân là một niềm vui, càng vui hơn bởi lều chữ bên Hồ Văn này là nơi để những người yêu văn hóa gặp gỡ, trao đổi, giao lưu… “Học để hiểu được ý nghĩa thâm sâu trong mỗi con chữ của người xưa là câu chuyện không đơn giản…”, Lê Quốc Việt nói như vậy, nhưng nhìn cảnh nhộn nhịp xin chữ ngày xuân, có thể cảm nhận phần nào sức sống bền bỉ của một phong tục đẹp trong đời sống người Việt. Cùng con gái đến xin chữ ngày xuân, ông Lê Thái Nam ở phố Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm) cho hay: “Tôi đưa cháu tới đây, trước là mong cho con trẻ học hành sáng láng và cũng để xin chữ các thầy. Tục xin chữ, cho chữ ngày xuân là một nét đẹp mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tinh thần cần được gìn giữ, phát huy...”.

Hoàng thành Thăng Long năm nay thật đặc biệt với nhiều tiểu cảnh, vườn hoa rực rỡ tạo khung cảnh mùa xuân đa sắc. Chương trình Tết Việt “Nét bút ngày Xuân” hấp dẫn du khách trong không gian của những nhà nho xưa với văn phòng tứ bảo: Giấy, mực, bút, nghiên… Từ đó, mỗi người hiểu thêm về truyền thống hiếu học, coi trọng hiền tài của dân tộc. Không gian phố cổ nơi lưu giữ tâm hồn người Hà Nội cũng duy trì nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá văn hóa truyền thống tới đông đảo công chúng và du khách. Ngôi nhà Di sản - 87 Mã Mây tổ chức không gian đón Tết của một gia đình Hà Nội. Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ có không gian giới thiệu linh vật của năm: Hình tượng chuột trong văn hóa dân gian… 

Và Tết trọn vẹn hơn khi nhiều người đã không có Tết để bảo đảm an ninh trật tự, giữ cho phố phường sạch, đẹp, phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết.

Xuân đến ấm áp làng quê

“Tết đoàn viên” về quê ăn Tết - về với nơi mình sinh ra, nơi lưu giữ những ký ức một thời để nhớ, để lớn thành người là một phần không thể thiếu của nhiều người Hà Nội. Và Tết quê mãi mãi vẫn vậy, ẩn chứa và cô đọng những nét văn hóa đẹp của người Việt. Xuân Canh Tý này, những miền quê nông thôn mới Hà Nội rạng rỡ hơn.

Xin chữ đầu xuân, nét đẹp văn hóa của người Việt. Ảnh: Nhật Nam

Xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn), cuộc sống của mỗi người dân đủ đầy hơn khi được công nhận là xã nông thôn mới. Thu nhập bình quân được nâng cao đã giúp toàn xã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,8%, xuống còn 0,8%. Đặc biệt, những ngày đầu xuân này, người dân hai thôn Phù Mã và Vệ Linh của xã Phù Linh đang tất bật chuẩn bị cho Lễ hội đền Sóc được tổ chức từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng. Ông Nguyễn Công Huấn, Trưởng thôn Vệ Linh phấn khởi cho biết: “Người dân trong thôn tôi và thôn Phù Mã đang gấp rút chuẩn bị các lễ phẩm, vật phẩm phục vụ ngày khai hội đền Sóc Xuân Canh Tý năm 2020 và háo hức chờ được rước cây giò hoa tre, rước ngựa chiến trong ngày khai hội…”.

Tại xã Minh Quang, nơi vùng cao của huyện Ba Vì, không khí Tết cũng tràn ngập các thôn làng. Mấy năm qua nông sản được mùa, kinh tế ổn định, đời sống người dân ngày càng sung túc, Chủ tịch UBND xã Minh Quang Phạm Tiểu Long chia sẻ: Xã đã đạt các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Niềm vui của cán bộ, nhân dân xã Minh Quang còn được nhân đôi trong mùa xuân này, bởi địa bàn xã là nơi huyện Ba Vì sẽ tổ chức Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, khai trương du lịch Ba Vì năm 2020 và tổ chức Tết trồng cây Xuân Canh Tý vào ngày mùng 9 tháng Giêng.

Tại huyện Phúc Thọ, người dân cũng náo nức vui Xuân, đón Tết. Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ thông tin, đón năm mới Canh Tý 2020, các ban, ngành, đoàn thể trong huyện và các xã, thị trấn đã tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các cụ tròn 100 tuổi, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Đặc biệt, chương trình “Làng vui chơi - Làng ca hát” được Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện tổ chức gắn với lễ hội ở các xã Ngọc Tảo, Trạch Mỹ Lộc, Thọ Lộc, Long Xuyên, Võng Xuyên, Thượng Cốc và Phụng Thượng không chỉ là món ăn tinh thần trong ngày đầu năm mới, mà còn góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Năm mới, với người nông dân là những ước mong mưa thuận gió hòa, sản xuất thuận lợi, mùa màng bội thu, đời sống đủ đầy... Mấy năm gần đây, chiều mùng 1, sớm mùng 2 Tết, bà con đã xuống đồng... Theo ông Đỗ Văn Hiểu, xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức), sáng mùng 2 Tết trời hửng nắng, nhiều hộ dân đã xuống đồng chăm mạ, kiểm tra nước… Cũng như huyện Mỹ Đức, ở nhiều huyện trên địa bàn thành phố, ngay từ ngày đầu năm mới, nông dân đã tất bật xuống đồng khơi thông dòng chảy, lấy nước, chống rét cho mạ.

Những nét đẹp văn hóa truyền thống trong ngày Tết của người Hà Nội, của con Lạc, cháu Hồng được bảo tồn, phát huy cùng những điều mới lạ mà mỗi người có thể cảm nhận trong mùa xuân mới Canh Tý 2020 này, đã cho thấy sự chuyển động mạnh mẽ của Hà Nội. Tháng Giêng ăm ắp những sự kiện, nhiều lễ hội văn hóa, nhưng cũng là tháng của sản xuất vụ xuân, của khí thế sôi nổi ra quân của mọi cơ quan, đơn vị với quyết tâm vượt qua những thách thức, giành cho được những thắng lợi mới trong năm mới 2020.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vui mùa Xuân mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.