Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui chưa chắc đã hài

Người Lái Đò| 14/08/2011 07:05

(HNM) - Cách đây dăm bảy năm, các tiểu phẩm hài nhan nhản trên các sân khấu ở TP Hồ Chí Minh sau đó lan ra Hà Nội. Tạm lắng một thời gian nay các tiểu phẩm hài xuất hiện trở lại như thể cứu tinh cho sân khấu vốn trầm lắng nhiều năm nay. Và người ta thấy lộ ra những bất ổn về nội dung và nghệ thuật từ các tiểu phẩm này.

Tại các quầy bán đĩa, thật dễ dàng tìm thấy các DVD những chương trình "Gặp nhau cuối tuần", "Gặp nhau cuối năm " hay "Gala cười" của Trung tâm sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) vốn đã được VTV phát sóng, được khán giả chờ đón. Những DVD này dường như xuất bản lậu vì không thấy ghi tên nhà sản xuất. Song dù sao đây còn là những chương trình  có chất lượng về nội dung, ít nhiều mang tính nghệ thuật và có những giá trị thẩm mỹ nhất định. Cũng tại đây, không thiếu DVD hài do các công ty nhà nước, tư nhân sản xuất. Tuy nhiên, nhiều đĩa trong số đó thật kinh hoàng, chẳng khác gì thảm họa Vpop mà cư dân mạng xôn xao trong thời gian gần đây. Có diễn viên tên tuổi hẳn hoi nhưng kiếm tiếng cười của người xem bằng cách lạm dụng từ ngữ dung tục (chứ không phải bình dân). Nhiều câu tục đến mức ngay cả những người có tính cách "tháng tám cũng ừ, tháng tư cũng gật" cũng không chịu nổi. Lại có những tiểu phẩm khai thác những chuyện vặt vãnh, không đầu không cuối, thậm chí ngớ ngẩn, gây cười bằng uốn éo đài từ, phồng mồm, trợn má khi diễn xuất. Cũng gần đây, trên một số đài truyền hình địa phương ở các tỉnh phía Bắc phát sóng những tiểu phẩm hài vào ngày cuối tuần nhưng lại phản cảm. Chất lượng không khác gì những DVD nhạt nhẽo bán ở cửa hàng băng đĩa. Một tiểu phẩm được gọi là hài dù ngắn hay dài thì tính cách nhân vật phải rõ nét, ngôn ngữ và hành động phải nhất quán, đặc biệt phải có các tình huống gây cười, nói cách khác tạo ra tiếng cười từ các tình huống, cuối cùng là phải có bài học thông qua tiếng cười. Nếu so với tiêu chí trên  thì các tiểu phẩm mà người ta gọi là hài hiện nay chỉ là tiểu phẩm... vui mà thôi.

Tiếng cười rất cần trong cuộc sống, chính vì thế, sân khấu truyền thống  như: tuồng, chèo, cải lương đã khai thác yếu tố này để vở diễn thêm sinh động, đồng thời thông qua tiếng cười, chế giễu thói hư tật xấu trong xã hội. Thậm chí trong không ít vở, tiếng cười trở thành một thứ vũ khí sắc bén chống lại chế độ phong kiến mục ruỗng. Vẫn biết tiểu phẩm vui có thể "mua vui cũng được một vài trống canh", song như thế thì trách nhiệm công dân của nghệ sỹ  đâu rồi?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui chưa chắc đã hài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.