(HNM) - Không còn là chuyện
Khác hẳn mấy ông lãnh đạo doanh nghiệp, lương cao ngất hàng trăm triệu đồng, có thưởng Tết bạc tỷ cũng chỉ bằng tháng lương thứ 13 là cùng; thưởng Tết là "khoản để dành" khá lớn trích từ lương với không ít người. Lương tháng hai, ba triệu đồng, tháng nào gần như tiêu hết tháng đó, trông cậy chỉ vài khoản thưởng ra tấm ra món dịp Tết để có thể gửi về gia đình, đầu tư tài sản trong nhà. Chính vì thế, người lao động rất quan tâm đến khoản thưởng này (thường là được giữ kín cho đến tận những ngày cuối năm) và cũng chính vì thế, thưởng Tết trở thành vấn đề lớn, thể hiện rõ mức chênh lệch giàu nghèo, nghề gì kiếm ăn được, ngành gì không trong xã hội. Làm công như nhau, nhưng cuối năm thưởng Tết, người trăm triệu, người dăm chục nghìn (có khi còn "quy ra hiện vật" bằng lít dầu ăn, cân gạo nếp hay… bịch hạt hướng dương) rõ ràng là lúc ấy mới biết người ở trên trời, người dưới vực. Nhiều vấn đề rất trái với bản chất của xã hội cũng nảy sinh từ đó.
Sự chênh lệch thái quá này xảy ra giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội mới đây, mức thưởng cao nhất được công bố là 67,3 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp tư nhân và TP Hồ Chí Minh là 700 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi mức thưởng Tết cao nhất của khối doanh nghiệp nhà nước chỉ khoảng 22 triệu đồng/người. Mức thưởng thấp nhất cũng theo tỷ lệ tương tự. Mức thưởng Tết còn rất chênh lệch theo ngành hàng trong khu vực sản xuất, kinh doanh. Thưởng Tết trong các khối doanh nghiệp dệt may, điện, viễn thông, than khoáng sản, ngân hàng, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa… tuy có giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các ngành hàng khác đang thua lỗ. Sự chênh lệch giữa khối doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, hành chính sự nghiệp, sự nghiệp có thu… còn rõ rệt hơn. Không đâu xa, hãy lấy khối báo chí làm dẫn chứng. Cả nước hiện có trên 700 cơ quan báo in thì chỉ khoảng 15% sống khá giả, thưởng Tết bình quân khoảng 10 đến 20 triệu đồng/người, số còn lại đều dưới mức này, trong đó phần nhiều các tạp chí, các tờ báo ngành sống bằng nguồn bao cấp, chỉ thưởng Tết bình quân vài ba trăm nghìn, có nơi không có thưởng hoặc nợ thưởng. Các cơ quan Đảng và Nhà nước, ngành giáo dục, ngành y tế, cơ quan nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học đại cương còn gặp không ít khó khăn. Ai giàu, giàu vì lý do gì chưa biết, nhưng về công khai, người lao động kể cả những người có trình độ cao đều được thưởng Tết không nhiều.
Theo một người có trách nhiệm ở Bộ LĐ-TB&XH, quy chế hiện hành cho phép doanh nghiệp căn cứ vào quy định của Nhà nước về đơn giá tiền lương, thưởng để quyết định mức thưởng trong doanh nghiệp của mình. Phải chăng cần có sự điều tiết chặt chẽ hơn của Nhà nước để hai khoản lương và thưởng hợp lý, bảo đảm sự công bằng xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.