Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui, buồn ở làng “xuất khẩu lao động”

Hồng Khánh| 05/04/2012 06:46

(HNM) - Hầu như gia đình nào ở xã Châu Sơn (Ba Vì) cũng có người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), thậm chí một nhà có 7 - 8 người đang bôn ba xứ người. "Phong trào" xuất ngoại ở đây mạnh nhất huyện, với 80% là phụ nữ. Những người phụ nữ thuần nông đã chấp nhận đi xa mong thực hiện giấc mơ đổi đời.


Thay chồng làm kinh tế

Năm 1994, lần đầu tiên trong xã có người đi XKLĐ Hàn Quốc với mức thu nhập cao gấp trăm lần ở nhà làm ruộng, tạo niềm tin cho người dân khắp xã. Đến năm 2000, có đợt tuyển dụng rầm rộ, phụ nữ Châu Sơn rủ nhau đi bởi công việc chính là giúp việc, làm thêm tại các viện dưỡng lão Đài Loan, Malaysia, Arab... Chị em trong làng, cứ khỏe mạnh, không nhiễm viêm gan B là hăm hở lên đường. Nam giới ở lại, gánh vác việc đồng áng và chăm sóc con cái. Năm 2004, toàn xã có gần 30% hộ nghèo. Đến nay, con số ấy đã giảm hơn nửa. Nhà nào cũng khang trang 3-4 tầng. Cái nghèo dần lùi ra ngoài cổng làng.

Xa vợ tròn 12 năm, ông Nguyễn Văn Tiến - hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Châu Sơn trầm ngâm: "Tính đến nay, cả xã có hơn 250 người đang làm việc ở nước ngoài trên tổng số 4.300 dân. Từ một xã nghèo, Châu Sơn đã khá giả với 45-50% số hộ có nhà cao cửa rộng". Chị Nguyễn Thị Hòa - vợ ông Tiến đi xuất khẩu Đài Loan đúng đợt tuyển lao động rầm rộ năm 2000. Trung bình mỗi tháng, chị Hòa được nhận hơn 17.000 tệ (khoảng hơn 10 triệu VND). Những ngày đầu xa vợ, ông Tiến vừa cáng đáng việc ở UBND, vừa bù đầu lo chăm sóc, dạy dỗ hai đứa con nhỏ. Cứ thế 5 năm, rồi 10 năm qua đi thầm lặng. Nhờ sự vất vả bươn trải của chị Hòa, nhà cửa ở quê đã tươm tất, hai đứa con ông Tiến đã trưởng thành, đều đang theo học trung cấp y (thị xã Sơn Tây). Trong 12 năm, vợ chồng ông Tiến chỉ gặp nhau đúng một lần sau 3 năm chị Hòa đi xuất khẩu, rồi chị lại biền biệt tha hương. Ông Tiến cho biết: "Riêng cán bộ UBND xã, đã có 6 người cùng cảnh "gà trống nuôi con" như tôi, bị liệt vào hộ "nghèo" về tình cảm". Vì nghèo túng, chị Phùng Thị Yến (xóm 1, thôn Hạc Sơn) quyết tâm rời quê đi Đài Loan khi được bố chồng động viên, khích lệ. Suốt một năm rưỡi, chị không dám gọi điện về nhà mà chỉ gửi gắm nỗi niềm qua những lá thư tay. Mỗi tháng, chị kiếm được 15.800 tệ. Trừ tiền bảo hiểm, khám bệnh… dành dụm được bao nhiêu, chị gửi hết về cho chồng.

Và những hệ lụy

Bà Nguyễn Thị Chinh - Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Sơn chia sẻ, đi XKLĐ là một hướng đi đúng cho chị em phụ nữ. Không thể sống mãi trong nghèo đói, trong khi nguồn lao động thì rất dồi dào. Hội Phụ nữ có 900 hội viên, đã có tới 200 người đi XKLĐ. Xã vốn nhỏ, chỉ có 2 thôn, thôn Hạc Sơn có số lượng phụ nữ xuất khẩu nhiều hơn thôn Hoắc Châu. Nhiều phụ nữ quanh năm suốt tháng vắng bóng do "không chịu ở nhà" để lăn lưng kiếm tiền.

Cơn lốc "xuất ngoại" ùa về khiến cái xã nhỏ "cựa mình" thay đổi, kéo theo một số tệ nạn như một điều tất yếu. Sau 6 năm bươn trải kiếm tiền, chị Nguyễn Thị Q. (thôn Hạc Sơn) trở về quê hương để hoàn tất thủ tục ly hôn. Anh H. - chồng chị Q. không thể kiên định đợi vợ, bị đồng tiền cám dỗ, bỏ quên con cái, sa vào cơn nghiện... Hoàn thành ly hôn, chị Q. lại biền biệt xa xứ, người chồng bội bạc bỏ đi cùng người tình. Đến bây giờ, nhiều người trong làng vẫn nhắc đến cái chết của anh T. cuối năm 2008. Vợ anh đi Đài Loan, mỗi tháng gửi tiền triệu về cho chồng, nhưng toàn bộ số tiền được anh đốt vào hút hít. Ngày chị về nước cũng là lúc chị phát hiện ra sự thật đau lòng: anh mắc căn bệnh thế kỷ AIDS. Sau khi chồng chết, của nả đội nón ra đi. Giờ, chị phải còng lưng đi trộn vữa, phụ xây để nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Vợ đi xa "nghi ngờ" chồng, chồng khốn khổ đối mặt với những tin đồn vợ cặp bồ ngoại quốc... Chưa kể những đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc, giáo dục của người mẹ, sa chân vào tệ nạn... Cuộc sống xa xôi cách trở đã khiến một vài gia đình tan đàn sẻ nghé. Tuy nhiên, theo bà Chinh, đó chỉ là số ít, chiếm tỷ lệ chưa đến 1%. Hội Phụ nữ xã thường xuyên tuyên truyền, động viên các ông chồng ở nhà tu chí làm ăn, tránh xa tệ nạn. Xã cũng duy trì đội hoạt động xã hội tình nguyện chuyên làm công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia những hoạt động có ích, tham gia các câu lạc bộ thơ, văn, thể thao… hạn chế thấp nhất tiêu cực. Các gia đình có chung cảnh ngộ thường xuyên gắn bó, quan tâm lẫn nhau; khi phát hiện có trường hợp tệ nạn, tiêu cực, các đoàn thể, các tổ chức sẽ động viên kịp thời để người trong cuộc từ bỏ, lánh xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui, buồn ở làng “xuất khẩu lao động”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.