(HNM) - Dự kiến đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ có 2.000 bác sĩ tuyến huyện về đảm nhận công tác tại gần 300 trạm y tế xã, phường trên địa bàn. Đây là đề án quan trọng được ngành y tế thành phố đầu tư triển khai nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh và góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Đưa bác sĩ giỏi về gần dân nhất
Theo khảo sát của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, người dân trên địa bàn thành phố không muốn đến trạm y tế khám chữa bệnh ban đầu vì lo ngại ba yếu tố: Không có bác sĩ chuyên môn, không được bảo đảm về thiết bị y tế, thái độ phục vụ kém. Trong nhiều năm liền, gần 300 trạm y tế của thành phố vắng bóng người bệnh. Trong khi đó, các bệnh viện lớn trên địa bàn đang xảy ra tình trạng quá tải. Để nâng cao năng lực khám chữa bệnh ban đầu, ngành y tế có chủ trương đưa bác sĩ tuyến quận về trạm y tế khám chữa bệnh đã được hình thành ở TP Hồ Chí Minh từ năm 2013. Đến nay, mô hình đang triển khai tại Bệnh viện quận Thủ Đức và Bệnh viện Quận 2.
Bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức khám bệnh tại trạm y tế phường. |
Mới đây, Bệnh viện Quận 2 đã tổ chức xuất quân lần 2 đưa 10 bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác nhau về công tác tại ba trạm y tế Thạnh Mỹ Lợi, Bình Khánh và Thảo Điền theo nhu cầu của phường, xã. Điển hình, tại phường Thảo Điền (Quận 2), nơi tập trung các đối tượng cao tuổi, nhu cầu bệnh lý tim, mạch, huyết áp rất đông nên được bổ sung bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Từ thực tế trên, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 chia sẻ: "Bệnh nhân đã an tâm đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế, góp phần giảm tải cho các bệnh viện, giảm chi phí đi lại cho người bệnh".
Tương tự, từ năm 2013, Bệnh viện quận Thủ Đức đã cử 4 bác sĩ xuống 4 trạm xá phục vụ cho bệnh nhân. Đến năm 2015 thì bệnh viện đã "phủ sóng" mỗi bác sĩ quận sẽ đóng tại một trạm. Đây là các bác sĩ giỏi chuyên môn, có kinh nghiệm khám chữa bệnh trên 5 năm. Trong 12 bác sĩ về tuyến xã thì có 7 bác sĩ được đào tạo theo mô hình bác sĩ gia đình. Mỗi ngày bác sĩ xã khám thấp nhất từ 15 bệnh nhân/ngày, trạm cao nhất khám được 35 ca/mỗi ngày. Bệnh nhân sau khi khám được cấp phát thuốc tại chỗ, hưởng các quyền lợi như đi khám tại bệnh viện tuyến quận mà không mất thời gian chờ đợi.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân - Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, với giải pháp trên, hiện các trạm xá ở càng xa bệnh viện thì lượng bệnh nhân đến khám ở đó càng đông. Ở địa điểm gần bệnh viện quận thì bệnh nhân ít đến nhưng bệnh viện vẫn cử bác sĩ trực tại đây vì muốn tạo thành một hệ thống vệ tinh của bệnh viện phủ khắp 12 phường, để khẳng định trạm y tế cũng khám chữa bệnh được nhằm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của người bệnh sau đó mới thay đổi hành vi khám chữa bệnh vượt tuyến.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất
Trong lộ trình nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến trạm, vấn đề đưa bác sĩ gần dân bước đầu được thực hiện tốt. Tuy nhiên, việc đầu tư trang thiết bị cho y tế tuyến trạm gặp phải khó khăn, đến nay chỉ một vài trạm y tế tại TP Hồ Chí Minh đã được đầu tư để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Điển hình như Trạm y tế phường Bình Chiểu (Thủ Đức) được trang bị máy siêu âm, máy xét nghiệm. Trạm y tế Thảo Điền (Quận 2) được trang bị máy siêu âm màu. Tuy nhiên, số lượng lớn trạm y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đa phần chưa được trang bị, bác sĩ từ tuyến quận về khám bệnh vẫn còn phải " khám chay". Một số trường hợp cần xét nghiệm máu thì bác sĩ phải lấy mẫu máu sau đó vận chuyển về bệnh viện để được thực hiện quy trình xét nghiệm. Chính những hạn chế về trang thiết bị khiến cho người dân còn e ngại năng lực khám, điều trị bệnh tại cơ sở.
Ngoài ra, các phương án giúp nâng cao năng lực điều trị tuyến trạm còn gặp khó khăn như bác sĩ tại trạm trên thực tế vẫn làm việc theo giờ hành chính. Khi người dân ở trong khu vực này ốm đau, cấp cứu thì họ sẽ chuyển thẳng lên bệnh viện không qua bác sĩ. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ bệnh nhân có tâm lý theo bác sĩ, trong khi mỗi bác sĩ chỉ nhận công tác tại tuyến trạm một năm. Khi hết thời gian phục vụ, không ít trường hợp người dân đã quen với bác sĩ nên tự ý vượt tuyến để lên bệnh viện huyện khám chữa bệnh.
Trước thực trạng này, bác sĩ Nguyễn Minh Quân - Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho rằng, để giảm tải và muốn dân tin tưởng thì Nhà nước cần đầu tư tài chính cho hệ thống y tế xã, phường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.