Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Vua" trầu bà chân vịt

Hồ Văn| 27/02/2010 08:02

(HNM) - Trong lúc nhiều gia đình phải bán nhà, bán đất bỏ đi làm thuê để kiếm sống vì không chịu nổi cảnh 1 tháng có đến gần 15 ngày bị triều cường nhấn chìm trong biển nước thì có một con người vẫn cứ kiên nhẫn, miệt mài bám vườn, bám đất với hy vọng đất không phụ lòng người.

Anh Phụng giữa vườn cây trầu bà chân vịt.


Làm người "đưa đò"

Để đến được "lãnh địa" của Hai Phụng (tên thường gọi của anh Bùi Văn Phụng), chúng tôi phải vượt qua bến đò An Phú Đông, rồi đi hết đường Vườn Lài, sau đó men theo bờ kè sông Rạch Gia - con đường đất gồ ghề, lầy lội do những đợt triều cường liên tiếp " tấn công". Gặp Hai Phụng trong căn biệt thự tọa lạc trên khuôn viên đất rộng gần 10.000m2, anh hồ hởi khoe: Có được ngôi biệt thự này là nhờ tích góp mấy năm trồng hoa đồng tiền đấy. Khoảng gần chục năm trước, mỗi bó hoa đồng tiền giá bán 20 nghìn đồng, lúc đó tôi trở thành "ông trùm" của hoa đồng tiền ở các chợ hoa lớn của thành phố, hễ đến chợ nào có bán hoa đồng tiền thì đó là sản phẩm của Hai Phụng. Vì lúc đó loại hoa này rất hiếm ở TP, nhưng nhu cầu cao, sản xuất ra bao nhiêu cũng không đủ bán, nên nguồn lợi thu về rất lớn.

Thế nhưng có một điều như đã trở thành tiền lệ đối với anh, cứ sau vài năm thành công với một loại hoa, cây cảnh nào thì y như rằng, những loại hoa, cây cảnh đó được nhiều người khác sản xuất và giá cả đi xuống, buộc anh phải chuyển sang loại hoa, cây cảnh khác. Cứ thế, anh chuyển sang trồng không biết bao nhiêu loại hoa, cây cảnh, từ vạn thọ trắng, hoa đồng tiền đến mai ghép, trầu bà chân vịt… để tìm "lối thoát". Giờ đây, khi anh đang thành công với loại trầu bà chân vịt thì một số nông dân cũng bắt đầu trồng loại cây này. Hai Phụng tâm sự: "Cuộc đời tôi trải qua không biết bao nhiêu nghề, nhất là nghề trồng hoa, cây cảnh, loại cây nào tôi cũng có thể trồng được, có lẽ là do thừa hưởng cái gen trồng hoa, cây cảnh từ gia đình trước đây”.

… và nỗi niềm trăn trở
Hiện nay, trầu bà chân vịt của anh đang rất "hot", nhiều thương lái tìm đến "săn hàng" liên tục với giá bán trung bình từ 700 đồng/lá đến 1.000 đồng/lá, đó là chưa kể trầu bà Pháp, trầu bà Mỹ có giá bán 3 nghìn đồng/lá và 5 nghìn đồng/lá. Như vậy, chỉ tính riêng hơn 6.000 chậu trầu bà chân vịt, mỗi ngày anh xuất bán từ 3 nghìn đến 5 nghìn lá thì đã có thu nhập khá cao, nhưng anh vẫn chưa dám mở rộng diện tích, không phải vì sợ giá cả đi xuống, mà anh sợ triều cường sẽ làm mất cả chì lẫn chài. Anh cho biết, 2 loại trầu bà Pháp và trầu bà Mỹ bán rất chạy với giá cao, nhưng anh cũng chỉ dám trồng được hơn chục chậu, mà không thể nhân rộng hơn, bởi giá con giống của 2 loại trầu này khá cao, nếu lỡ bị triều cường "đánh sập" thì coi như phá sản!

Để trồng được một số lượng hoa, cây cảnh như hiện nay, Hai Phụng đã không biết bao nhiêu lần "thổi cát" để nâng nền đất lên cao. Vậy mà năm nào triều cường cũng tràn vào vườn, ngập cả mét, làm chết không ít mai ghép, trầu bà chân vịt. Do chi phí đầu tư cho mai ghép quá lớn nên nhiều năm không có lãi, thậm chí có năm còn bị lỗ nặng, anh đành chấp nhận trồng cầm chừng, không đầu tư vào loại mai này nữa. Thật sự thì những năm gần đây, các nghệ nhân mai ghép ở quận 12 cũng rất thành công, thu nhập khá cao, nhưng với anh thì không thể. Đó là một nỗi buồn khôn tả đối với anh. Giờ đây, Hai Phụng chỉ hy vọng dự án đê bao sông Vàm Thuật sớm được hoàn thành, để triều cường không còn là nỗi ám ảnh thì anh mới dám dốc sức đầu tư mạnh hơn nữa để phát triển các loại hoa, cây cảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Vua" trầu bà chân vịt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.