(HNM) - Việc hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng đến đâu, thu gom xử lý đúng cách đến đó..., không chỉ giúp sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn mà còn góp phần giữ gìn môi trường, sức khỏe nông dân.
Chăm sóc rau an toàn tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức). Ảnh: Bá Hoạt |
Cùng thăm cánh đồng rau đang vào chính vụ, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh chia sẻ, chỉ tính riêng trong năm 2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm đã hỗ trợ địa phương tổ chức 14 lớp tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn, an toàn bảo hộ trong lao động, sử dụng, thu gom bao bì, vỏ lọ thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 1.000 lượt nông dân.
Tại tất cả xứ đồng sản xuất rau an toàn đều đặt thùng chứa vỏ lọ thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, hợp tác xã cử 7 cán bộ cùng 30 thành viên nòng cốt phối hợp với 8 cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất rau an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; dự báo tình hình sâu bệnh hại để xử lý ngay từ đầu, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Hiện giờ, trên các cánh đồng ở địa phương không còn vỏ chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi, môi trường được cải thiện đáng kể” - ông Minh khẳng định.
Tương tự, trên cánh đồng rau an toàn của Hợp tác xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), cạnh các lối đi chính đều có bể chứa bao bì, vỏ lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Chị Nguyễn Thị Thành ở thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên) cho biết, ngoài việc ghi nhật ký đồng ruộng về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều năm nay, địa phương đã khắc phục được tình trạng vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, tất cả đều được thu gom, xử lý theo quy định.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Mai Lan, nhằm nâng cao nhận thức của nông dân trong sử dụng, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng quy định; quản lý tốt chất thải nguy hại, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng..., huyện Hoài Đức đã bố trí thùng, bể chứa vỏ ở các xứ đồng; đồng thời, mỗi địa phương bố trí ít nhất 2 điểm tập kết trung chuyển bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật để đưa đi tiêu hủy. Năm 2018, ước tính các xã, thị trấn trên địa bàn thải ra môi trường khoảng 12 tấn vỏ, bao gồm cả lượng tồn đọng của các năm 2016, 2017 đã được thu gom.
Hà Nội có hơn 157 nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp, trung bình mỗi năm sử dụng khoảng 400 tấn thuốc bảo vệ thực vật vào mục đích phòng, trừ sâu bệnh hại trong nông nghiệp. Những năm qua, công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật được Sở NN&PTNT Hà Nội và chính quyền các địa phương quan tâm. Trong năm 2017, các đơn vị chức năng đã tiến hành thu gom, vận chuyển và tiêu hủy 139 tấn bao bì nhiễm thuốc bảo vệ thực vật...
Hiện nay, tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã được đầu tư thùng chứa, điểm thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Công tác tuyên truyền, tập huấn đã giúp nông dân nâng cao ý thức giữ gìn môi trường. Từ năm 2014 đến nay, tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội đã giảm (chỉ bằng 0,25 đến 0,32% so với bình quân toàn quốc). Nhờ giảm sử dụng lượng thuốc bảo vệ thực vật nên mỗi năm, Hà Nội đã tiết kiệm được khoảng 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, điển hình là vùng chuyên canh hoa - cây cảnh của các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Bắc Từ Liêm… ý thức của một số hộ chưa cao. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể hơn với những địa phương này, như: Hỗ trợ lắp đặt thêm thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân trong sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, vì sức khỏe cộng đồng...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, việc thu gom, xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật chỉ giải quyết được phần ngọn; còn giải pháp căn cơ là cần tích cực tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, tạo môi trường xanh - sạch - an toàn ngay từ những cánh đồng. Qua đó, vừa giảm chi phí đầu tư, vừa bảo vệ sức khỏe người dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.