(HNM) - Trong lúc nhiều cây bút trẻ dồn sức cho tiểu thuyết, nữ nhà văn Phong Điệp lại
- Thưa nhà văn Phong Điệp, được biết, cùng với việc hoàn thiện một cuốn tiểu thuyết mới, chị cũng đang hợp tác với NXB Kim Đồng chuẩn bị xuất bản một bộ truyện cho tuổi mầm non vào năm 2011. Hình như không có nhiều nhà văn trẻ chọn "lối đi" này để tạo dấu ấn với bạn đọc? Chắc phải có động lực nào đó cho chị thực hiện bộ sách này?
- Sức hút của văn học cho thiếu nhi so với văn học cho… "người lớn" đương nhiên là có phần lép vế hơn. Tôi không nghĩ chúng ta thiếu những người viết tâm huyết với thiếu nhi, những người trẻ muốn theo đuổi với văn học thiếu nhi. Nhưng "đất" cho những sáng tác dành cho thiếu nhi của chúng ta hiện nay khá khiêm tốn so với các đề tài khác.
Thực ra, khi bắt tay vào viết bộ truyện chừng 3-5 tập cho thiếu nhi, tôi tâm niệm là hãy viết để ghi lại dấu ấn của chính con mình khi các cháu còn nhỏ. Vì đó là một thế giới hồn nhiên, trong sáng và cực kỳ thú vị. Thực tế sinh động hơn mọi thứ tưởng tượng. Hai con luôn là những bất ngờ đối với tôi, trong mỗi ngày sống. Đó là cảm hứng cho tôi cầm bút.
Dự kiến mỗi cuốn sách dày chừng 100 trang, là truyện dài có nhân vật, trong đó nhân vật chính là một đứa trẻ (lớn dần từ 2 tuổi cho đến lúc 6 tuổi, vào lớp 1). Đứa trẻ sẽ nói bằng ngôn ngữ của nó về mọi thứ xung quanh mình… Thật tự nhiên, nhiều bất ngờ và lý thú.
- Gần đây, không ít phụ huynh băn khoăn về việc nhiều đơn vị làm sách cho thiếu nhi dễ dãi đến mức phản giáo dục. Với cương vị một phụ huynh, chị có thấy bức xúc về vấn đề này không?
- Hằng ngày, trước khi đi ngủ, tôi vẫn duy trì được việc đọc hoặc kể chuyện cho các con nghe. Rất nhiều lần, tôi vừa đọc vừa phải biên tập và vừa điều chỉnh lại nội dung được trình bày trong truyện. Một số đơn vị làm sách rõ ràng đang móc túi phụ huynh một cách không thể chấp nhận được vì lối làm sách phi văn hóa, phi giáo dục. Họ làm những bộ sách rất bắt mắt, nhưng nội dung thì là những câu chuyện được nhặt nhạnh, chắp vá với thứ ngôn ngữ lủng củng, đầy "rác". Tôi còn nhớ có một câu chuyện kể về một con ếch muốn được cất lên tiếng hát của riêng mình. Con ếch trình bày nguyện vọng của mình với một vị thần. Nhưng thay vì ban giọng hát cho con ếch thì vị thần khiến cho nó bị chết, với thông điệp là hãy an phận làm phận ếch và chỉ biết kêu ộp ộp là đủ rồi. Những câu chuyện phản giáo dục ấy sẽ mang đến cho trẻ điều gì đây? Những cuốn sách như thế, buồn thay, chúng ta có thể thấy nhan nhản ngoài hiệu sách, với lượng in rất lớn.
- Thưa nhà văn, tạm không bàn đến "nguồn" ra của những cuốn sách này, nhưng là phụ huynh, chúng ta sẽ chọn sách cho trẻ thế nào đây trong khi thị trường sách hay - dở lẫn lộn như vậy?
- Chọn sách cho thiếu nhi tưởng là dễ nhưng thật ra không dễ chút nào. Rõ ràng là cần chọn sách phù hợp với tuổi, kích thích được trí tưởng tượng, sự sáng tạo cũng như góp phần hình thành tính cách của trẻ. Nhưng quan trọng là cha mẹ cũng cần phải đọc (ngay cả khi trẻ đã biết chữ) để biết cuốn sách nói gì, thay vì chỉ nhặt những cuốn "bắt mắt" và thả cho trẻ tự do tiếp nhận.
- Còn với tư cách là một nhà văn, chị nghĩ sao về sự "lấn sân" của văn học dịch cho thiếu nhi, cũng như tình trạng "thiếu sức sống" của văn học thiếu nhi trong nước?
- Sự xuất hiện của văn học dịch là một yếu tố tích cực góp phần làm phong phú thị trường sách văn học. Việc lấn sân thì có thể ở hai trường hợp. Thứ nhất, chúng ta có đang sính ngoại hay không? Thứ hai, văn học trong nước không đủ tạo sức hút với độc giả nên cần đến văn học dịch để đáp ứng nhu cầu ngày một khắt khe hơn của bạn đọc.
Tình trạng "thiếu sức sống" như bạn đề cập thì hình như chúng ta đã có quá nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về vấn đề này. Chuyển động thì hình như hơi chậm? (cười). Tôi nghĩ, cá nhân mỗi nhà văn phải tự cố gắng tạo ra sức hấp dẫn cho tác phẩm của mình. Bạn đọc sẽ quyết định giá trị của những tác phẩm ấy và nhà văn đừng kêu ca rằng độc giả đang quay lưng lại họ. Nếu có điều ấy thật, thì lỗi tại người viết.
- Xin cảm ơn chị!
Nhà văn Lê Phương Liên (Hội Nhà văn Việt Nam): Hà Dương ghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.