Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vừa đi, vừa tìm đường

Hà Phong| 25/12/2010 06:57

(HNM) - Là một trong 6 đơn vị được chọn triển khai đề án thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THTHPL) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hơn một năm qua, Hà Nội đang nỗ lực đặt những "viên gạch" đầu tiên. Nhưng "bài toán chưa có lời giải" của Thủ đô hiện nay là chuyện thiếu người, non kinh nghiệm…

"Vạn sự khởi đầu nan"

Nói vậy bởi đây là nhiệm vụ mới giao cho ngành tư pháp. Trong khi đó, các quy định hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi THTHPL tại Thông tư 03 của Bộ Tư pháp lại chung chung, tiêu chí đánh giá thiếu sâu sát với thực tiễn. Vậy mà lại có quá nhiều văn bản (VB) phải triển khai theo dõi và tổ chức thực hiện. Ví dụ, lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, có đến 1 pháp lệnh, 5 nghị định, 2 chỉ thị của Thủ tướng; 8 thông tư và tới 17 quyết định của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, UBND TP Hà Nội. Đấy là chưa kể, trong "rừng” luật về quy hoạch đô thị, đất đai, khoáng sản, khiếu nại tố cáo còn có nhiều nội dung "đá" nhau. Trên cơ sở các quy định sẵn có và căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế ở địa phương, nhiều quận, huyện, xã, phường, thị trấn còn ban hành thêm các VB chỉ đạo thực hiện khác nữa.

Cán bộ Phòng Công chứng số 1 (thuộc Sở Tư pháp HN) hướng dẫn các thủ tục pháp lý cho người dân. 

Về đội ngũ cán bộ chuyên trách theo dõi THTHPL cũng còn nhiều bất cập. Mặc dù tư pháp địa phương liên tục đề nghị thêm người, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng có nhiều chuyến về cơ sở làm việc với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, quỹ biên chế tổng thể của địa phương có hạn nên tình trạng phân bổ cho ngành tư pháp nói chung, triển khai nhiệm vụ theo dõi THTHPL nói riêng vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Bà Ngô Hồng Thủy, Phó trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm cho biết, quận có 7 cán bộ nhưng nhiệm vụ THTHPL vẫn phải kiêm nhiệm. "Cần có một công chức chuyên theo dõi THTHPL, bởi đây là mảng rất quan trọng, khó khăn, phức tạp". Tương tự như Hoàn Kiếm, một số đơn vị nội thành cũ, điển hình là Hai Bà Trưng, Đống Đa, dù số cán bộ tư pháp đã lên tới 8 đến 9 người nhưng chưa bố trí được cán bộ chuyên trách, lại phải đảm nhiệm đến 11 đầu việc khác nhau.

Khó khăn nhất hiện là các huyện của Hà Tây cũ, số lượng cán bộ tư pháp rất ít. Phó phòng Tư pháp huyện Thường Tín Nguyễn Văn Công cũng thở than "chỉ có 3 cán bộ, trong đó một trưởng, một phó, một còn lại được "cắt" cho bộ phận một cửa. Thế là từ soạn công văn giấy tờ đến làm chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, lãnh đạo phòng đều làm tất mà không xuể". Tại huyện Phúc Thọ, tình hình cũng không hơn. Bà Nguyễn Thị Oanh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, việc "cắt" hẳn 1 người phụ trách công tác theo dõi THTHPL là khó thực hiện. Phòng có 3 biên chế, đề xuất mãi huyện mới "cho" hai hợp đồng ngắn hạn nữa. Thế nhưng đến kỳ tuyển viên chức, hai cán bộ này thi đỗ và "bay đi" mất.

Kiểm tra chưa nhiều mà thiếu sót không ít

Vì những khó khăn kể trên, đến nay, quá trình rà soát, tổng hợp các văn bản do UBND TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây cũ ban hành trước ngày 1-8-2008 mới cơ bản hoàn thành. Theo đó, đã có 442 VB được rà soát. Trong đó xác định 119 VB hết hiệu lực thi hành, 75 VB đề nghị sửa đổi, bổ sung, 44 VB cần ban hành mới thay thế. Đáng chú ý, trong khi đối chiếu các VBQPPL trong lĩnh vực bảo vệ môi trường - là lĩnh vực còn nhiều bất cập trong quá trình thực thi pháp luật hiện nay thấy có 29 VB còn hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tiễn, sở đã đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế 12/29 VB không còn phù hợp.

Qua kiểm tra công tác ban hành VB của các quận, huyện, Sở Tư pháp phát hiện nhiều cơ quan, đơn vị lúng túng về nghiệp vụ. Một số VB nội dung không có tính quy phạm lại được ban hành dưới hình thức VBQPPL. Hay những "lỗi" phổ biến khác dễ "vấp" phải như viện dẫn VBQPPL làm cơ sở pháp lý ban hành VB không đúng; không quy định thời điểm có hiệu lực của VB; "quên" gửi dự thảo VBQPPL cho cơ quan tư pháp thẩm định trước và sau khi ban hành. Điển hình về lỗi thể thức là quy chế đấu giá tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước; quyết định thu phí các chợ Quỳnh Mai, Đồng Tâm, Vĩnh Tuy, Bách Khoa, Hòa Bình ở quận Hai Bà Trưng…

"Giải mã" nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngành tư pháp xác định trong năm tới sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, cơ sở vật chất cho cán bộ chuyên trách. Theo Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn, trong phạm vi thẩm quyền, sở sẽ cố gắng tập trung tham mưu với UBND TP để hướng chỉ đạo các địa phương củng cố, kiện toàn bộ máy. Hiện sở đang xây dựng đề án chuẩn hóa cán bộ tư pháp cấp xã để trình UBND TP Hà Nội. Nếu được phê duyệt, việc kiện toàn bộ máy cán bộ tư pháp sẽ thuận lợi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vừa đi, vừa tìm đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.